Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm luật phải phù hợp với thực tế

Nữ Quỳnh| 13/07/2013 06:15

(HNM) - Dư luận lại thêm một lần xáo động xung quanh một số chính sách được các cấp quản lý công bố trong mấy ngày qua...

Sau khi dư luận phản ứng mạnh. Một số cơ quan chủ quản đã lên tiếng giải thích. Thôi thì mỗi ngành có một quan điểm nên cũng chưa thể ngã ngũ dù thực tế vẫn còn khá nhiều điều bất ổn trong các dự thảo và văn bản nêu trên.

Nhưng, ngay khi các chuyện trên chưa dứt thì lại có thêm thông tin tại TP Hồ Chí Minh công bố dự thảo quy định "phụ nữ trên 33 tuổi không được sinh con", hay Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang đề nghị người dân đi khám bệnh vào buổi chiều. Đến nước này thì không nói không đành vì các ý tưởng này thể hiện sự ấu trĩ của người đề xuất, sự yếu kém của một bộ phận công quyền, đặc biệt là thái độ coi thường quyền lợi người dân.

Có thể trong thực tế có chỉ số nào đó trong lĩnh vực dân số, y tế liên quan đến việc sinh nở sau tuổi 33 của phụ nữ đã vượt quá mức. Nhưng chuyện này phần nào cho thấy một bộ phận người làm luật “quen ngồi máy lạnh”, thiếu sâu sát thực tế chỉ mong muốn giải quyết được việc của mình mà quên đi quyền lợi hợp pháp của người khác. Cấm phụ nữ sinh con sau tuổi 33. Không thể giải thích cho đặng vì sao người ta lại nghĩ ra ý tưởng "táo bạo" như vậy. Ở đây các nhà soạn thảo định như thế nào? Họ khuyến khích những cặp gia đình mà người vợ trên độ tuổi này chưa có con phải xin con nuôi, hay khuyến khích các "đức ông" bỏ vợ tìm con ngoài luồng? Nói rộng hơn, thì quy định này là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phụ nữ, những người có thiên chức được làm mẹ và hơn thế còn xúc phạm đến quyền được "mưu cầu hạnh phúc" của công dân, kể cả với đàn ông.

Xây dựng pháp luật cần phải sát với đời sống, vì cuộc sống. Những quy chế như trên không thể lý giải được sau khi ban hành rồi sẽ được thực thi thế nào. Về khía cạnh nào đó, có những hành vi nhất thiết phải để con người tự điều chỉnh theo hoàn cảnh, chứ không thể bắt phải hành động như một cỗ máy, hay gò theo một khuôn khổ cứng nào đó.

Pháp luật chắc chắn không đi vào cuộc sống khi nó mông lung, xa vời. Người xây dựng pháp luật phải nghiêm túc, chứ không phải cứ đưa ra dự thảo rồi sai thì sửa. Xây dựng dự thảo cũng là hoạt động hành chính tiêu tiền ngân sách. Nên khi công việc ấy tiêu tốn tiền nhà nước mà lại vô bổ thì cần thiết phải xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan hoặc cá nhân người soạn thảo. Họ phải bồi thường chi phí nếu những đề xuất đưa ra trái ngược với các chuẩn mực chung của xã hội. Hơn thế họ cần phải được đánh giá lại về năng lực, phẩm chất xem có phù hợp ở vị trí công bộc của dân, là công chức của nhà nước hay không…

Phải khẳng định, pháp luật là những thiết chế của xã hội, nên ngay từ bản chất nó phải vì xã hội, vì nhân dân. Do vậy, rất mong rằng mỗi khi xây dựng pháp luật cần thiết phải suy nghĩ bắt đầu từ lợi ích của nhân dân và vì nhân dân, đất nước. Khi làm luật, đừng vì cảm tính mà thiếu thực tiễn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm luật phải phù hợp với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.