Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm khó báo chí (?)

Hồ Bách| 20/10/2012 05:49

(HNM) - Bảo vệ nguồn tin từ lâu đã được đánh giá là một trong những nguyên tắc quan trọng cần được bảo đảm trong hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, qua một số lần điều chỉnh, dự thảo gần đây nhất của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi được bổ sung một khoản có nội dung: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng" khiến nhiều phóng viên e ngại. Vì nếu áp dụng, sẽ gây khó khăn cho họ và cả nhân chứng trong quá trình tác nghiệp.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Đó là "cơ quan có thẩm quyền" ở đây cụ thể là những đơn vị nào và ở cấp nào? Thông tin, tài liệu mà cơ quan pháp luật, cơ quan PCTN cần được cung cấp là thông tin mà báo chí đưa về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hay nguồn tin mà dựa vào đó báo chí phát hiện vấn đề? Nếu không quy định rõ, mặc nhiên mở rộng phạm vi "cơ quan có thẩm quyền" sẽ dẫn đến khả năng nhà báo phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị hạch hỏi, truy vấn nguồn dữ liệu có được từ những tổ chức khác nhau. Trong đó, không loại trừ cả những đơn vị là đối tượng bị báo chí đề cập trong việc chống tham nhũng… Khi lộ ra như vậy, liệu còn ai cung cấp thông tin cho báo chí.

Ai cũng biết chức năng của báo chí được xác định là phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Báo chí, nhà báo chỉ có thể gánh vác được sứ mệnh ấy nếu được nguồn tin tin tưởng, gửi gắm những thông tin nóng sốt mà họ nắm được và nhà báo phản ánh nội dung đó chính xác, đầy đủ, trọn vẹn sau khi đã khai thác, thẩm tra mà không làm tổn hại đến nguồn tin. Do đó bảo vệ nguồn tin vừa là vấn đề pháp lý, vừa là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Xét về trách nhiệm pháp lý của nhà báo, điều này đã được thể hiện trong điều 7, Luật Báo chí hiện hành: "Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng". Nhưng dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã mâu thuẫn với chính quy định tiến bộ kể trên. Trong khi đó, nội dung này, trong quá trình thẩm tra, đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý là cần xử lý rõ ràng, tránh xung đột, mâu thuẫn với các nguyên tắc pháp lý và chuẩn mực đạo đức về bảo vệ nguồn tin của nghề báo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm khó báo chí (?)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.