Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm dụng kháng sinh: Mối nguy hiện hữu

An Hà| 28/11/2021 05:29

(HNMCT) - "Lạm dụng kháng sinh hôm nay - ngày mai không thuốc chữa", đó là cảnh báo mà ngành Y tế đã đưa ra, song cho đến nay nhiều người vẫn thờ ơ với cảnh báo này.

Gánh nặng y tế

Kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, như sử dụng kháng sinh cho bệnh do virus (cảm cúm) hoặc dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn chưa hợp lý. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.

Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị của người bệnh. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng có xu hướng tăng mạnh mà nguyên nhân chính là lạm dụng kháng sinh đã diễn ra trong một thời gian dài, làm gia tăng tỷ lệ tử vong, dẫn đến gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất về kinh tế. Hậu quả kinh tế của tình trạng kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả từ khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng. Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Việc dùng thuốc kháng sinh không hợp lý đã làm gia tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Càng nhiều sinh vật tiếp xúc với thuốc kháng sinh thì càng có nhiều khả năng một số ít sẽ đột biến để có thể sống sót, vượt qua cơ chế tấn công của thuốc. Các công ty dược phẩm liên tục tạo ra các loại kháng sinh mới để giúp con người chống lại nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên, các vi sinh vật đang phát triển nhanh chóng này đã tìm cách xoay xở để sống sót với tốc độ đáng báo động, vượt xa tốc độ phát triển của thuốc mới. Bác sĩ Hoàng Cương (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương) cho hay, vi khuẩn không đáp ứng với thuốc có thể dẫn đến mù lòa ở các bệnh nhân bị nhiễm trùng về mắt: “Với khoảng 1 triệu người phải phẫu thuật đục thủy tinh thể hằng năm và hơn một triệu mũi tiêm thoái hóa điểm vàng do tuổi tác được thực hiện mỗi năm, nhu cầu hiểu về vấn đề kháng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng mắt cao hơn bao giờ hết”.

Bỏ thói quen dùng kháng sinh một cách tùy tiện

Các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều tới nạn lạm dụng kháng sinh nhưng có lẽ cả người dân và ngay cả một số nhân viên y tế vẫn chưa nhận ra mối nguy hại thực sự của thói quen này.

Dù ngành Y tế đang siết chặt việc bán thuốc theo đơn tại các hiệu thuốc song thực tế, nhiều nhà thuốc, nhiều dược sĩ, người bán hàng luôn bán thuốc một cách tùy tiện cho những người bị sổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy, trong đó luôn có một loại kháng sinh được kê dùng trong 3 - 5 ngày. Người dân khi thấy mệt mỏi, ốm đau cũng thường mua thuốc uống vô tội vạ mà không cần biết điều đó có gây hại hay không. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tình trạng kháng kháng sinh tăng cao.

Trước vấn nạn vi khuẩn kháng thuốc trầm trọng, các chuyên gia đều khuyên người dân "đừng tự làm bác sĩ", không dùng thuốc theo sự mách bảo của người không có chuyên môn. Hãy đi khám để được dùng thuốc hợp lý, an toàn. Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, “để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh thì ngoài nỗ lực của ngành Y tế, người dân cũng phải có trách nhiệm. Mọi người không nên mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi”.

Hiện nay, tình trạng kháng thuốc có xu hướng gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 , đó là điều đã được Tổ chức y tế Thế giới cảnh báo. Mặc dù một số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, với các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi các thầy thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng của người bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng kháng sinh: Mối nguy hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.