Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm báo ở mặt trận

Minh Ngọc| 07/05/2014 06:20

(HNM) - Nhà báo là những chiến sĩ đặc biệt, báo chí là



Chương trình giao lưu "Ký ức Điện Biên" vừa diễn ra ở Hà Nội thêm một lần nữa khẳng định, nhà báo là những chiến sĩ đặc biệt, báo chí là "vũ khí" đặc biệt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Giao lưu với các nhà báo lão thành từng tác nghiệp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chương trình "Ký ức Điện Biên".


Chiến dịch có mật mã 33

Theo lời kể của nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (91 tuổi), một trong 5 nhà báo của tòa soạn tiền phương Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ, cuối năm 1953, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị về công tác chính trị tư tưởng Đông Xuân 1953-1954, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ tuyên truyền phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch. Trong bối cảnh đó, Báo QĐND giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích ra mặt trận xây dựng một tòa soạn tiền phương, tổ chức viết bài, biên tập, trình bày, in ấn, phát hành ngay tới cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch. "Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào mùa khô thường có những chiến dịch lớn. Chiến dịch nào hầu như cũng có phóng viên cầm bút, cầm sách đi theo bộ đội, đi theo các đơn vị, viết bài trong chiến dịch, chiến trường nhưng nhiều khi hết chiến dịch mới gửi về được. Đến chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, đi theo chiến dịch là một tòa soạn và đội phát hành nên chúng tôi phán đoán là một chiến dịch lớn nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi không biết là chiến dịch gì. Dọc đường hành quân chúng tôi mới vỡ dần ra". Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại.

Số đầu tiên của Báo QĐND tiền phương xuất bản ngày 28-12-1953, số cuối cùng tại mặt trận ra ngày 16-5-1954 mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. 33 số báo xuất bản tại mặt trận gồm các tin tức, bài viết về gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch, tranh biếm họa…, giúp cho tờ báo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch. Với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp thì "33 tờ báo được phát hành tại chiến trường Điện Biên Phủ là chiến dịch có mật mã 33, là sở chỉ huy giấu tên".

Cũng trong chương trình giao lưu "Ký ức Điện Biên", Đại tá Nguyễn Xuân Mai (82 tuổi), nguyên Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam kể: "Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chiến sĩ liên lạc nên tôi thường xuyên được tiếp xúc với Báo QĐND xuất bản tại Điện Biên Phủ. Khi cầm trên tay những tờ báo mặt trận còn nóng hổi, gói trong lá dong, thấy những bài báo hay tôi thường đọc cho chiến sĩ nghe vì thời đó có nhiều chiến sĩ không biết chữ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nội dung nhiều bài báo".

Bài học làm nghề còn nguyên giá trị

Trong hoàn cảnh tác nghiệp vô cùng khó khăn, gian khổ, 33 số báo xuất bản ngay tại chiến trường không chỉ mang tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh nghề nghiệp, máu, nước mắt của những người làm báo, mà còn để lại những kinh nghiệm làm nghề vô cùng quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay.

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp cho hay: Lượng phóng viên tác nghiệp ở Chiến dịch Điện Biên Phủ rất ít, trong khi chiến trường rộng, quân đội đông, chiến dịch diễn ra ác liệt nên phóng viên chúng tôi suốt ngày đi, đi nhiều mới viết được nhiều, mới có thể khai thác được những chuyện khác nhau giúp cho nội dung tờ báo phong phú. Cùng với việc đi và viết, chúng tôi xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở khắp nơi, chính lực lượng này đã giúp cho Báo QĐND xuất bản tại Điện Biên Phủ phản ánh được nhiều mặt của chiến dịch, của cuộc sống. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp cho biết thêm, Tòa soạn tiền phương Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ đặt dưới hầm sâu hơn bất cứ căn hầm nào ở chiến trường, đèn không dám thắp sáng vì sợ địch phát hiện. Trong ánh sáng lờ mờ, chữ thì đen thui, việc sắp chữ vô cùng khó khăn nhưng các khâu của tòa soạn đã làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, số nào nhanh thì 24 tiếng sau, báo đến tay người đọc.

Giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về tờ báo ra đời giữa lửa đạn chiến tranh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Lân kể: "Tôi đã từng gặp họa sĩ Nguyễn Bích, được thấy nhiều tranh cổ động, tranh biếm họa của ông. Bức tranh của họa sĩ một mặt động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, chiến sĩ hăng hái ra mặt trận; mặt khác châm biếm, đả kích địch. Cả hai loại tranh ấy đều là những viên đạn mềm bắn trúng nhiều đích. Người họa sĩ phải rất am hiểu về văn hóa mới vẽ được".

Nói về tờ báo đặc biệt này, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, một tòa soạn báo tiền phương, xuất bản tại mặt trận để phục vụ cuộc chiến tranh cam go, thử thách của dân tộc ra đời… Những nhà báo chiến trường đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận, họ đã sử dụng vũ khí đặc biệt để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế hệ nhà báo trẻ hôm nay rất cần học hỏi sự đam mê và hy sinh cho nghề nghiệp của các nhà báo chiến sĩ để các trang báo đến gần hơn với công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo ở mặt trận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.