“70 năm trôi qua nhưng những câu chuyện riêng đã trở thành ký ức của mỗi người lính Điện Biên thì vẫn tiếp tục được kể” - cựu chiến binh Phạm Công Thành (khu phố Chùa Bằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), nguyên là một y tá tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa khẳng định với tôi như vậy.
Những kỷ vật chiến trường
Đã ngoài 90 tuổi, tóc bạc trắng, dáng đi hơi còng xuống bởi thời gian nhưng cựu chiến binh Phạm Công Thành vẫn rất minh mẫn. Ông kể, ngày đó ông đang là chiến sĩ công an thì được điều động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khóa học quân y 6 tháng, ông về đơn vị mới là Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, trở thành Tiểu đội trưởng trong Tiểu đoàn Quân y có nhiệm vụ cứu chữa thương binh, thu dọn chiến trường… Ngoài ra, ông còn cùng đơn vị đào hầm hào, tham gia kéo pháo, củng cố trận địa… Chính công việc đó đã giúp ông gặp được những anh hùng của thời đại và cả những con người bên kia chiến tuyến.
Hôm đó, ông Thành cùng với 2 y tá và Chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Giản đi cứu chữa thương binh, chôn cất liệt sĩ và thu dọn chiến trường. Bất chợt ông phát hiện một nữ quân nhân người Pháp nằm rên rỉ trên mặt đất với một vết thương lớn trên đùi, máu chảy đầm đìa. Cô gái có mái tóc vàng, gương mặt xinh đẹp dù sắc mặt hơi tái.
Ông Thành phân vân: Cô ta là người phía bên kia chiến tuyến, tức là kẻ thù. Nhưng mình là y tá, gặp người bị thương không thể không cứu. Với lại chúng ta vẫn có chính sách khoan hồng với tù binh mà. Đó chỉ là suy nghĩ trong thoáng chốc, bởi ngay sau đó ông quyết định cứu thương cho cô này.
Dù là một y tá trên chiến trường, thường xuyên làm công việc cứu thương, nhưng lúc đó ông lại rất lóng ngóng. “Vợ thì chưa có mà phải băng bó ở đùi cho một cô gái Tây trẻ, lại rất đẹp. Chiếc quần thì rất dày. Phải làm gì đây?”.
Ông đang phân vân thì nghe cô gái nói một câu bằng tiếng Pháp: “Anh có nói được tiếng Pháp không?”. Ông Thành chưa vội trả lời mà thoáng nghĩ: Mình đã khai lý lịch là tầng lớp dưới, chẳng lẽ bây giờ lại nói tiếng Pháp trước mặt đồng đội và thủ trưởng. Ông Thành thú thực: “Nhưng nếu không nói thì cô gái này sẽ coi khinh mình, coi khinh tất cả bộ đội ta không có văn hóa, chỉ biết đánh đấm. Đây không chỉ là chuyện cá nhân mình, mà còn là thể diện đất nước, thể diện dân tộc nữa”.
Và thế là ông Thành đã nói chuyện bằng tiếng Pháp với cô gái (cũng là một y tá) trong lúc băng bó cho cô. Người này bảo ông đừng ngại với cái quần kaki ấy, mà hãy lấy trong túi quần của cô ra một con dao để rạch miếng vải quần. Khi vết thương đã được băng lại, cô gái gắng gượng cười cảm ơn rồi đột nhiên nói: “Anh rất trẻ, rất đẹp trai! Việt Minh muôn năm!”.
Ông Thành mỉm cười: “Cái câu khen ngợi và cảm ơn bộ đội ta thì tôi tin là thật. Bởi một cô gái trong hàng ngũ kẻ thù bị thương nặng lại được một anh bộ đội Việt Nam biết nói tiếng Pháp cứu chữa chắc hẳn sẽ thay đổi cách nhìn về người lính Cụ Hồ”.
Ông Thành kể tiếp: “Sau cuộc chiến, chúng tôi trao trả tù binh. Tôi cũng chưa kịp hỏi cô ấy tên gì. Chỉ nhớ lúc băng bó xong, cô ấy tặng tôi một kỷ vật…”.
Ông Thành mở ngăn kéo bàn làm việc lấy ra một vật bằng kim loại rồi nói: “Nó đây. Con dao mà tôi đã dùng để rạch quần cô ấy đây”.
Tôi đón lấy kỷ vật trên tay ông. Đó là một con dao nhíp nhỏ đa năng, có nhiều lưỡi vẫn còn như mới. Trên thân dao ghi dòng chữ tiếng Pháp là nhãn hiệu sản xuất và vật liệu làm ra nó là loại thép không gỉ.
Ông Thành kể, ngoài con dao mà cô y tá người Pháp tặng, ông còn 2 kỷ vật khác liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là chiếc mũ lá mà ông cũng như nhiều anh em bộ đội ta lúc đó vẫn tự làm và chiếc ca uống nước do Bác Hồ tặng, trên đó in hình 3 lá cờ Việt - Trung - Xô.
Câu chuyện về một người anh hùng
Cũng trong ngày gặp gỡ cô y tá người Pháp, ông Thành đã trực tiếp cứu thương cho một chiến sĩ đặc biệt, sau đó mới biết là anh hùng Phan Đình Giót. Ông xúc động nói: “Kỷ niệm về anh Giót luôn ám ảnh tôi…”.
Ấy là vào buổi chiều ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào cứ điểm đồi Him Lam. Khi các chiến sĩ Đại đội 58 lao lên mở đường, hỏa lực của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả. Nhiều đồng đội của ông Thành đã ngã xuống dưới làn đạn như mưa của kẻ thù. Dù đã đào hào tiếp cận rất gần để đánh vây lấn nhưng cũng rất khó để chiếm cứ điểm này. Sau đó những người lính của Đại đội 58 đã dùng phương án đánh bộc phá.
“Tôi nghe nhiều người kể lại rằng, Phan Đình Giót đánh bộc phá đến quả thứ chín thì bị thương vào đùi. Lúc ấy khoảng 10h đêm. Tôi băng bó cho anh. Dù bị thương nặng nhưng anh vẫn xung phong lên đánh tiếp” - ông Thành kể.
Ngưng một lát rồi ông Thành tiếp tục: “Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, sau đó ôm bộc phá, cầm tiểu liên mở thông đường để đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu, rồi đến lô cốt số 2. Lần này, Phan Đình Giót bị thương vào vai, mất máu nhiều. Đồng đội lại đưa anh về phía sau. Tôi tiếp tục băng bó cho anh. Băng bó xong cho anh Giót được một lát thì tôi nghe thấy đạn pháo từ lô cốt số 3 tiếp tục bắn mạnh. Mũi tiến công của đơn vị anh Giót bị ùn lại. Lúc này anh Giót đã yếu do mất máu nhiều nhưng vẫn nâng súng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to “xung phong”. Rồi sau đó anh ôm bộc phá lao cả thân mình úp vào bịt kín lỗ châu mai”.
Ông Thành cho biết, chỗ ông đứng cứu chữa thương binh chỉ cách lô cốt của địch cỡ chừng hơn 200m nên quan sát khá rõ. “Tôi nghe đạn pháo bỗng im lặng đoán biết hỏa điểm của Pháp bị dập tắt. Quân ta tiếp tục xung phong. Tôi không dám tin Phan Đình Giót đã hy sinh” - người lính già bùi ngùi nhớ lại.
Tôi hỏi ông Thành, lúc ấy Phan Đình Giót đã bị thương nặng đến vậy mà sao mọi người không ngăn lại rồi chuyển về tuyến sau như vẫn làm với nhiều đồng đội khác. Ông Thành ôn tồn bảo: “Anh không biết đó thôi. Lúc ấy khí thế chiến đấu của quân ta mạnh lắm. Ai cũng chỉ nghĩ đến tiến công. Trong đó, anh Giót là tấm gương anh dũng ai cũng khâm phục. Mà dù có muốn ngăn cũng không ai ngăn được…”.
Đang kể, ông Thành chợt dừng lại, nước mắt chỉ trực trào ra. “Thú thực, đến thời điểm đó tôi đã chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh. Cũng đã quen thuộc với việc băng bó, mai táng đồng đội. Nhưng khi chứng kiến anh Giót bị thương nặng vẫn lao vào lấy thân mình lấp lỗ châu mai, cơ thể bị đạn bắn nát, tôi không cầm được nước mắt. Tôi khóc bởi biết hoàn cảnh của anh, thương anh, một chàng trai côi cút, phải đi ở cho nhà giàu…”.
Kết thúc chiến dịch, ông Thành được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được cử đi học bác sĩ rồi về công tác tại Cục Quân y, sau đó vào chiến trường miền Nam làm công việc nghiên cứu chống chiến tranh vi trùng. Sau khi miền Nam giải phóng, ông về Bộ Nông nghiệp công tác cho đến khi nghỉ hưu.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng những ký ức của một thời hoa lửa, về những năm tháng hào hùng và bi tráng vẫn hiện hữu trong ông Thành cũng như những người lính Điện Biên năm xưa.
---
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.