Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất vay vốn ODA tăng, áp lực trả nợ tăng

Hà Phong| 11/04/2016 06:55

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing (ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, Việt Nam đang đối mặt với việc bị nâng lãi suất các khoản vay ODA cũ và rút ngắn thời gian trả nợ.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing


- Năm 2015, giải ngân vốn đối ứng trong các dự án sử dụng vốn ODA cao hơn rất nhiều so với dự toán, là một trong những nguyên nhân khiến bội chi cao. Theo ông, năm 2016 chúng ta phải giải quyết tình trạng này thế nào?

- Bên cạnh các điểm sáng, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng, thời gian qua vấn đề về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài đang tăng rất nhanh, bội chi ngân sách vượt dự toán, đặc biệt là áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Năm 2015, bội chi 256.000 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ đồng phải tăng thêm để đáp ứng yêu cầu vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã khiến bội chi 6,1%/GDP, nợ công tương đương 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP (vượt trần Quốc hội cho phép là 50% GDP), nợ nước ngoài tương đương 43,1% GDP. Để giảm bớt áp lực đối với tình hình nợ công, bội chi hiện nay thì phải rất quan tâm tới vấn đề xử lý nguồn vốn vay ODA.

- Cụ thể, giai đoạn tới sẽ xử lý nguồn vốn này thế nào?

- Vốn đối ứng giải ngân cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thời gian vừa qua tăng là do thực hiện phương thức cấp phát nguồn vốn này. Với phương thức này, các địa phương cứ “chạy” dự án, “chạy” vốn, bởi quyết định dự án đầu tư rất dễ dàng. Vì vậy, tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính là từ năm 2016, thay vì cấp phát vốn ODA, sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay ODA và cấp phát rõ ràng. Khi chuyển sang cho vay thay vì cấp phát, các địa phương buộc phải lựa chọn dự án thật “cấp thiết”, chứ không phải là “cần thiết” khi quyết định đầu tư.

- Tính cấp thiết ở đây là gì, thưa ông?

- Tính cấp thiết là nguồn vốn vay phải ưu tiên cho dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Xin thông tin thêm, kể từ giữa năm 2017, khi vay vốn ODA sẽ phải trả lãi suất cao hơn, thời gian ngắn hơn. Tôi cho rằng, trước khi vay, địa phương cần phải cân nhắc về lãi suất, thời gian, chi phí và các điều kiện kèm theo để tính toán chọn lựa phương án vay lại vốn ODA hay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

- Khi không cấp phát mà chuyển sang cho vay, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này có được nâng cao không, thưa ông?

- Nếu cứ cấp phát vốn ODA, các địa phương sẽ dễ dãi trong việc cân nhắc, quyết định đầu tư. Còn khi chuyển sang cho vay sẽ gắn trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định vay nợ, gắn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư. Mặt khác, từ năm 2017, theo quy định Luật Ngân sách nhà nước mới, ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là được vay nợ và phải có nghĩa vụ trả nợ. Các cơ chế mới này sẽ giúp tách bạch quyền và nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, góp phần quản lý nợ công. Trong Luật Đầu tư công còn quy định, người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu như dự án không phát huy hiệu quả, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí nghiêm trọng. Vai trò của Quốc hội và các cơ quan liên quan trong thời gian tới là phải giám sát việc triển khai ngay từ đầu các tiêu chí về hiệu quả đầu tư, tính cấp thiết, tiết kiệm thay vì chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư. Mặt trận Tổ quốc và người dân cũng phải cùng tham gia theo dõi, phản biện, đánh giá. Tôi tin Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước đi vào cuộc sống, việc đội vốn chắc chắn sẽ giảm dần.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất vay vốn ODA tăng, áp lực trả nợ tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.