(HNM) - Hơn 8 tháng đã qua nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt gần 6%, trong khi mục tiêu của cả năm là 12-14%/năm.
Xem ra mục tiêu này khó thực hiện được, trong bối cảnh chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) đến "gõ cửa" ngân hàng. Để cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, đưa ra các chương trình vay vốn ưu đãi nhưng lãi suất có phải là vấn đề khiến DN không mặn mà?
Làm thủ tục vay vốn cho khách hàng tại Ngân hàng VietinBank. Ảnh: Hải Anh |
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), so với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được điều chỉnh giảm, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,45%, giảm mạnh so với thời điểm trước. Chưa dừng lại ở đó, nhiều ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV)… tiếp tục giảm lãi suất huy động VND 0,1-0,5%/năm để giảm chi phí đầu vào, từ đó kéo lãi suất "đầu ra" xuống thấp hơn. Tại Vietcombank, mức lãi suất huy động VND mới được niêm yết giảm khoảng 0,2%/năm với hầu hết các kỳ hạn, nên kỳ hạn 1 tháng bị kéo xuống 4,8%/năm (trước là 5%/năm); các kỳ hạn 2 - 9 tháng là: 5-5,7%/năm; kỳ hạn 24-60 tháng, lãi suất được áp dụng cao nhất là 6,8%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không áp cho tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch. Tùy từng địa bàn, các điểm giao dịch của Vietcombank có thể áp dụng mức lãi suất phù hợp, nhưng không quá quy định của NHNN. BIDV cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động VND theo hướng giảm.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,5%/năm; 2 tháng: 5%/năm; 3 tháng: 5,75%/năm; 6 tháng: 6%/năm; 9 tháng: 6,5%/năm; cao nhất là kỳ hạn 12 tháng: 7,2%/năm; những kỳ hạn dài 18, 24, 36 tháng, lãi suất là 7%/năm.
Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)… đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động, tuy không mạnh như những "đại gia" trên, nhưng cũng đủ để thấy sự dồi dào về tính thanh khoản của ngân hàng hiện nay.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động là sự ồ ạt điều chỉnh lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Đại diện các DN đều thừa nhận, vấn đề không nằm ở lãi suất, vì thế ngân hàng có giảm xuống thấp nữa cũng không có nhiều DN dám vay. Có một thực tế là những DN muốn vay vốn không đáp ứng đủ điều kiện ngân hàng đưa ra, còn những DN đủ "sức khỏe" lại chưa dám vay. Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, hàng tồn kho chưa giảm, sức tiêu dùng vẫn ở mức thấp, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, số DN giải thể, phá sản tăng... là những nguyên nhân khiến nguồn vốn còn ứ đọng.
Bên cạnh đó vẫn có không ít DN có nhu cầu vay vốn nhưng bản thân ngân hàng lại e ngại do còn phải "gánh" khoản nợ xấu không nhỏ, vì vậy nếu DN không thực sự khỏe, ngân hàng sẽ không dám cho vay ngay cả khi đang thừa vốn. Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, nhiều DN trình đề án rất "hoành tráng" nhưng thực tế lại khó triển khai. Thậm chí, có DN thuê cả đơn vị xây dựng dự án, nhưng khi NH thẩm định lại thì thấy rõ dự án không khả thi. DN chỉ có ý chí không chưa đủ mà còn phải có trí tuệ, kinh doanh bài bản, khi đó NH mới có thể "chọn mặt gửi vàng".
Hơn 8 tháng đã qua đi, con số tăng trưởng tín dụng mới chỉ dừng ở gần 6%, trong khi mục tiêu của cả năm là 12-14%, do vậy hệ thống ngân hàng cần nỗ lực chạy nước rút để có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, cái đích của tăng trưởng tín dụng không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành ngân hàng, mà cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành. Bởi nếu "bức tranh" của cả nền kinh tế tươi sáng, DN tăng trưởng mạnh, tín dụng mới có cơ hội tăng.
Hiện nay, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao là: 7-8%/năm, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường: 9-10%/năm (ngắn hạn), 10,5-12%/năm (trung và dài hạn). Với những DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất thậm chí chỉ còn 6-7%/năm. Lãi suất cho vay USD: 3-7%/năm; trong đó, ngắn hạn: 3-6%/năm, trung và dài hạn: 5,5-7%/năm. Mức lãi suất này được đánh giá là hợp lý trong thời điểm sức khỏe của DN chưa thực sự phục hồi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.