Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng mới với trái cây Việt Nam

Việt Phong| 13/02/2017 06:50

(HNM) - 2016 là năm thành công của trái cây Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này ở mức trên 30%. Lần đầu tiên trái cây vượt qua ngành lúa gạo mang về gần 2,5 tỷ USD.


Kiểm tra lô vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia. Ảnh: Khánh Huy.


Thị trường rộng mở

Đầu năm là thời điểm các nhà vườn bước vào vụ sản xuất mới sau thời gian sản xuất cung ứng trái cây cho thị trường Tết Nguyên đán. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định cho biết: Năm qua, trái cây Việt Nam đã vượt qua gạo để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã kiểm dịch các loại hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính đạt trên 10.500 tấn, tăng gấp 2 lần so với năm trước. Ngoài ra, trái cây Việt Nam được cấp phép vào nhiều thị trường khó tính như Pháp, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Đây là kết quả của quá trình đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh..., được Bộ NN&PTNT triển khai trong những năm qua. Trái cây là một trong những mặt hàng cho hiệu quả kinh tế lớn, trung bình đạt từ 200 triệu đồng đến vài tỷ đồng/ha canh tác. Trái cây cũng là cây trồng được nhiều địa phương lựa chọn khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một trong những doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu trái cây. Theo ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc kinh doanh của công ty, năm qua, ngoài thị trường Trung Quốc, công ty đã xuất khẩu được 30 tấn vải tươi sang Malaysia, 2 tấn vải tươi tới Australia và 5 tấn vải đông lạnh tới Nhật Bản... Để đạt được thành quả đó, công ty đã liên kết với các vùng sản xuất trái cây lớn, xuất khẩu theo hướng dẫn và giám sát của các đơn vị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương.

Năm nay, xuất khẩu rau, quả đề ra mục tiêu đạt 3 tỷ USD, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng, con số này sẽ tăng hơn dự kiến vì phản hồi từ các thị trường khó tính về trái cây Việt Nam rất tích cực. Ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: Năm nay, lần đầu tiên khối lượng rau, quả xuất khẩu vào thị trường khó tính đạt mức trên 10.000 tấn. Con số này so với tổng lượng xuất khẩu rau, quả trên toàn thế giới vẫn còn là khiêm tốn. Đây là những thị trường khó tính, điều kiện kiểm duyệt về dịch hại ngặt nghèo, hàng hóa sang thị trường này hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng khắt khe nhất của các nước nhập khẩu khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… Năm nay, ngành rau, quả kỳ vọng phát triển sang các thị trường này sẽ tăng hơn năm trước, ổn định về giá cả thu mua, xây dựng thành công thương hiệu và vị thế trên thị trường quốc tế, nâng tính cạnh tranh cho rau, quả Việt Nam.

Đa dạng sản phẩm xuất khẩu

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Việt Nam có nhiều thế mạnh về phát triển trái cây. Trái cây Việt Nam có đặc trưng rất riêng như: Thanh long đỏ, vú sữa, xoài… được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Trái cây Việt Nam đã tiến được vào thị trường khó tính thì phải duy trì tốt. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng như nhà sản xuất cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu, sản xuất phải hướng đến tính hàng hóa chứ không nhỏ lẻ, chớp thời cơ. Việc sản xuất phải tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để hỗ trợ cho trái cây xuất khẩu, hiện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường cho xuất khẩu quả tươi Việt Nam, trong đó tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó là tạo điều kiện thông thoáng cho hàng xuất khẩu. Năm 2017, dự kiến Australia sẽ mở cửa tiếp cho thanh long, Nhật Bản mở cửa cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ mở cửa cho quả vú sữa của Việt Nam.

Ngoài việc xuất khẩu trái cây tươi thì các doanh nghiệp nên quan tâm đến xuất khẩu trái cây thành phẩm hoặc đông lạnh. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu trong những trường hợp khi vào vụ thu hoạch rộ, tạo sự ổn định về hàng hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có hệ thống nhà máy, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn. Thực tế, một vài thị trường thế giới rất ưa chuộng các sản phẩm đông lạnh của Việt Nam. Đơn cử như trái dừa tươi có giá trị cao nhưng nhu cầu lại không nhiều để có thể xuất khẩu với số lượng lớn.

Ngược lại, những sản phẩm như cơm dừa, nước cốt dừa thì nhu cầu ở thị trường lại rất cao. Do đó, có những sản phẩm áp dụng công nghệ chế biến sẽ thu hoạch được lợi ích tối đa. Công nghệ chế biến hay sản phẩm tươi đòi hỏi phải có sự kết hợp cả hai vào chương trình xuất khẩu trái cây Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu VINA T&T cho rằng, ngành hàng trái cây sẽ phát triển hơn nữa nếu các doanh nghiệp biết đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng mới với trái cây Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.