Thành phố Hà Nội đang triển khai kế hoạch kiểm soát việc kinh doanh trái cây trên địa bàn, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đồng thời loại bỏ các điểm bán trái cây tự phát gây mất trật tự đô thị.
Nâng cao nhận thức, tạo thói quen cho người kinh doanh trái cây
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.446 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, có 1.220 cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh (đạt 84,4%); 1.388 đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 96,0%; 1.227 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 1.088 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 1.272 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày; 1.358 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 1.190 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây; 1.108 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện, cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 1.089/1.446 cơ sở đáp ứng yêu cầu (tăng 4 điểm nhận diện so với quý II-2024), đạt tỷ lệ 75,3%.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian qua, thực hiện Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng các sở, ngành chức năng tiếp tục triển khai giao thương, kết nối cung ứng thực phẩm, trái cây an toàn cho hệ thống phân phối của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức đoàn khảo sát vùng sản xuất và hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Lâm Đồng với các cơ sở tiêu thụ của Hà Nội; đồng thời thông tin các sự kiện, hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức đến các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Hà Nội nghiên cứu, đăng ký tham gia.
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì, xây dựng 191 tuyến phố không kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Một số địa phương xây dựng được nhiều tuyến phố không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè như: Quận Long Biên 97 tuyến, Đống Đa 30 tuyến, Hoàn Kiếm 16 tuyển, Thanh Xuân 11 tuyến, Cầu Giấy 11 tuyến.
"Thời gian qua, việc tuyên truyền được các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh, với hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nắm bắt và có ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có ý thức và quan tâm hơn đến việc lựa chọn sản phẩm trái cây an toàn, nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện và các siêu thị, trung tâm thương mại", ông Nguyễn Thế Hiệp nói.
Hết năm 2024, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định về quản lý, kinh doanh trái cây trên các phương tiện thông tin đại chúng
Sở sẽ công khai các cơ sở được cấp biển nhận diện, cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn; đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây của đề án.
Đối với cửa hàng kinh doanh trái cây, Sở Công Thương và các địa phương hướng dẫn chủ cơ sở hoàn thiện thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật. Thành phố dự kiến, 100% cửa hàng có đăng ký kinh doanh, 100% người trực tiếp kinh doanh trái cây được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đề án được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.
"Bên cạnh việc cấp biển nhận diện, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý, kinh doanh trái cây, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng, hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm trái cây, lễ hội trái cây, tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố, hội chợ tiêu dùng xanh – sản phẩm an toàn… để đưa các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng của các tỉnh về tiêu thụ trên địa bàn thành phố và vào các kênh phân phối hiện đại", đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành, địa phương, Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025 đang tiến dần đến đích, góp phần từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây lưu thông trên thị trường phục vụ người dân Thủ đô và du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.