(HNM) - Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bạch Mai, do GS.TS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu làm chủ nhiệm, mới đây đã được Hội đồng cấp Nhà nước
Ứng dụng công nghệ mới vào y học
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới. Hằng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác chẩn đoán, điều trị và đặc biệt là công tác chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn ung thư…, còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc điều trị ung thư cần sự phối hợp của nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích… Hơn 50% số bệnh nhân có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt là sử dụng kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp suất, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc.
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết: Việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới đã được thực hiện ở một số nước phát triển từ vài thập kỷ nay, ngày càng tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, ở nước ta, việc này vẫn còn khó khăn do chưa có nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại có sử dụng các bức xạ ion hóa; các thiết bị xạ trị, xạ phẫu hiện đại vẫn phải nhập khẩu. Thứ hai, chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực có thể làm chủ công nghệ mới hiện đại, phức tạp trong khi các phương pháp chẩn đoán, điều trị đối với bệnh nhân là người Việt Nam cần phải có những nghiên cứu mang tính mới, đòi hỏi một quá trình tìm tòi, thử nghiệm một cách nghiêm túc.
Xuất phát từ thực tế trên, GS.TS Mai Trọng Khoa cùng các đồng nghiệp đã chủ động tìm tòi, chọn lọc và đưa về ứng dụng thành công tại Việt Nam kỹ thuật chụp cắt lớp bức xạ positron để chẩn đoán ung thư
và bệnh sa sút trí tuệ. Đây là một phương pháp mới, hiện đại, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao và vượt trội so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện có. Đáng chú ý là hai kỹ thuật chụp cắt lớp bức xạ positron mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và xạ trị điều biến liều để điều trị cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là các bệnh nhân có khối u ác tính ở các vị trí không thể phẫu thuật, giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Ngoài ra, một trong những kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới đã được GS.TS Mai Trọng Khoa và nhóm cộng sự ứng dụng, triển khai thành công, đó là kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Đây là phương pháp điều trị không xâm nhập, chính xác, an toàn và hiệu quả. Phương pháp này đã cứu sống và chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân.
Đem niềm vui đến với người bệnh
Trong vòng 20 năm ứng dụng thực tiễn cho đến nay, những người thực hiện cụm công trình đã tiến hành hàng chục nghìn xét nghiệm, hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị hiệu quả bằng các kỹ thuật hiện đại có sử dụng bức xạ ion hóa. Điển hình như Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện hơn 60.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ. Hơn 60.000 bệnh nhân ung thư các loại được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp cắt lớp bức xạ positron. Hơn 3.400 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay. 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính... Từ việc ứng dụng thành công các kỹ thuật hiện đại, xây dựng và phát triển thành công mô hình Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu tại Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Mai Trọng Khoa và nhóm tác giả đã đào tạo nhân lực, hướng dẫn và chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho 18 bệnh viện trong cả nước. Cụm công trình còn bao gồm một khối lượng rất lớn các sản phẩm khoa học với 167 công bố, trong đó có 154 bài báo trong nước, 13 bài báo quốc tế; 10 đầu sách.
Có một số bệnh lý, trước đây khó hoặc không thể chẩn đoán, điều trị được do thiếu phương tiện thiết bị, thiếu nguồn nhân lực... thì hiện nay, nhờ các kỹ thuật mới, các bệnh lý này đã được chẩn đoán và điều trị thành công, thậm chí chữa khỏi tại Việt Nam. Nhiều kỹ thuật hiện đại trong số đó chưa có ở nhiều nước khu vực Châu Á và cũng chỉ được ứng dụng ở một số nước phát triển. Cụm công trình đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học hạt nhân và Ung bướu ở nước ta theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Với hàng nghìn người bệnh được khám và chữa bệnh tại Việt Nam thay vì phải ra nước ngoài, hơn 1.900 tỷ đồng đã được tiết kiệm. Những sản phẩm khoa học của cụm công trình này cũng là những nguồn tư liệu quý giá phục vụ sự phát triển khoa học - công nghệ và công tác đào tạo y khoa ở nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.