Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Gia Khánh| 01/08/2022 06:47

(HNM) - Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân khoảng 48.000 tỷ đồng theo các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (ban hành theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ). Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân khoảng 9.212 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 344.000 lao động với số tiền 196,7 tỷ đồng; miễn thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 31.000 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng…

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi, hoàn thiện thủ tục đầu tư 91 nhiệm vụ, dự án, với số tiền 146.898 tỷ đồng; 21 dự án, nhiệm vụ đang hoàn thiện thủ tục với số vốn hơn 2.170 tỷ đồng.

Như vậy, còn khoảng 26.929 tỷ đồng chưa được đề xuất bố trí, trong đó có dự án đường cao tốc (đang trình phân cấp cho địa phương), dự án y tế, xây dựng và 802 tỷ đồng chưa đề xuất phương án.

Qua các số liệu thống kê trên cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai khối lượng công việc lớn, kịp thời đưa một chương trình quan trọng vào cuộc sống. Để có thể giải ngân được số tiền trên, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt văn bản cụ thể hóa các chính sách. Có chính sách đạt tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian ngắn, tạo chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, cũng còn chính sách chưa bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn; đồng thời việc giải ngân còn chậm, đạt kết quả thấp, chưa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết, làm giảm hiệu quả của chương trình.

Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải thực hiện, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các giải pháp phải triển khai đồng bộ, mở cửa nền kinh tế phải gắn với phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thì chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, công việc quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, nhanh chóng xử lý vướng mắc, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Những dự án, nhiệm vụ nhất là ở lĩnh vực y tế, giao thông, đã đủ thủ tục cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục đầu tư ngay, để giải ngân sớm, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đồng bộ với các chính sách khác.

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành phải sáng tạo, quyết liệt. Lần đầu tiên gói phục hồi kinh tế - xã hội với quy mô lớn được triển khai nên không tránh khỏi vướng mắc, chỉ có tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt mới có thể kịp thời tháo gỡ tồn tại, khó khăn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách; hoàn thiện đến đâu giải ngân ngay đến đó là hai vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết nhằm sớm thực hiện hiệu quả chương trình có ý nghĩa quan trọng này. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kịp thời tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.