(HNMO) - Sáu tháng đầu năm 2019, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21%, cao hơn cùng kỳ năm 2018. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền tăng 16 bậc... Đây là thông tin được Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo tại Hội nghị lần thứ mười chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, diễn ra sáng 2-7.
Chủ động điều hành, giữ vững đà tăng trưởng
Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản trình bày tại Hội nghị cho thấy, dù triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, song với sự chủ động ban hành sớm các kế hoạch, chương trình hành động, siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị..., thành phố đã đạt được những kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô của Thủ đô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ. GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,416 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thu 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 12,02%.
Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc. Thành phố cũng đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới cho 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng…
Lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; hoàn thành hạ ngầm 96/177 tuyến phố; xử lý được 5/33 điểm ùn tắc giao thông. Công tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường được tổ chức tốt; hệ thống sông, hồ tiếp tục được quan tâm cải tạo. Khoảng 166.000 cây đô thị và cây bóng mát được trồng mới... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.
Cùng với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các hoạt động đối ngoại của Thủ đô những tháng đầu năm tiếp tục được nâng cao hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy tích cực thực hiện chương trình hợp tác với các địa phương (đã làm việc tại 22 tỉnh, thành phố) nhằm thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội với tinh thần "Hà Nội vì cả nước...".
Tuy nhiên, thành phố cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại. Đó là việc một số chỉ tiêu duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ; bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2-2019 đang diễn biến phức tạp... Bên cạnh đó, vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm. Hiện tượng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra…
Kiến nghị xử lý nhiều vấn đề “nóng”
Dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã diễn ra rất sôi nổi.
Khẳng định 6 tháng qua, lĩnh vực văn hóa, thể thao của Hà Nội đã đạt những thành tích cao trong việc tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch văn minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ công nhận Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” và được UNESCO công nhận hồ sơ đủ điều kiện tham gia. Nếu được công nhận, Hà Nội không chỉ là Thủ đô nghìn năm văn hiến, “Thành phố Vì hòa bình” mà còn được vinh danh là Thành phố sáng tạo.
Bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh khẳng định, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt cho hộ nghèo là "điểm sáng” của thành phố. Đồng chí Nguyễn Đức Vinh cũng kiến nghị thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Nguyễn Minh Quang đề nghị xem xét xử lý rõ trách nhiệm cá nhân trong việc giữ vững trật tự quy hoạch, quản lý đất nông nghiệp, đồng thời kiến nghị thành phố tổng hợp, có ý kiến đề xuất với Bộ Xây dựng để hoàn thiện mô hình Ban Quản trị tại các khu chung cư cho hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, tình trạng "tín dụng đen"; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng tại cả khu vực đô thị và nông thôn vẫn diễn biến phức tạp. Kiến nghị 3 nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền có chọn lọc; xử lý nghiêm sai phạm và chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố đề xuất, làm rõ những sai phạm trên có sự buông lỏng của chính quyền cơ sở hay không, nếu có, phải xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đã làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn được giao theo yêu cầu của chủ tọa phiên thảo luận.
Đẩy nhanh việc giao đất dịch vụ và đấu giá thu tiền sử dụng đất
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận của các đại biểu nhằm hoàn thiện Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng của thành phố 6 tháng cuối năm 2019 là đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ và đấu giá thu tiền sử dụng đất, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan lưu ý thực hiện hiệu quả hơn, nhằm hoàn thành nhiệm vụ của năm.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội xem xét, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu, thương mại điện tử nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ cho ngân sách thành phố.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 9 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 76 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 12/CTr-UBND của UBND thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019.
Thứ hai, để đạt mức tăng trưởng đề ra đầu năm là 7,4-7,6%, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn như: Tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu; nước sạch nông thôn; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước sạch; công nhận mới và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia; giao đất dịch vụ…
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả… Nghiên cứu và làm tốt công tác dự báo thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển sản xuất kinh doanh…
Thứ tư, tăng cường, nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.
Thứ năm, nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, đào tạo tương xứng với sự phát triển kinh tế và giá trị truyền thống của Thủ đô; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thứ sáu, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ tám, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn…
Thứ chín, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, thực hiện có hiệu quả “Năm dân vận chính quyền 2019”; quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.