Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế thành phố Hà Nội trong quý II-2022 đã phục hồi mạnh mẽ

Tiến Thành| 01/07/2022 09:02

(HNMO) - Sáng 1-7, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị giao ban công tác quý II-2022.

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị giao ban.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.

GRDP quý II-2022 ước tăng 9,49%

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, kinh tế thành phố trong quý II-2022 đã phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2022 ước tăng 9,49% (cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm là 6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng, GRDP tăng 7,79% (gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 6,02% và gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19); trong đó, dịch vụ tăng 9,05% (gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ 5,87%)...

Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%). Kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội báo cáo tại hội nghị.

Ngành Du lịch thành phố cũng có bước phục hồi mạnh mẽ khi khách quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%); khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).

Tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25%, cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%), gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất 16,07%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 8,7%); GRDP ngành công nghiệp ước tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao.

Đáng lưu ý, kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ, cao hơn các địa phương thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.

Kiểm soát giá cả, thị trường và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng kết thi hành Luật Thủ đô.

Thành phố tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và thành phố; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới...

Về phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X; thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới ban hành của thành phố...

UBND thành phố cũng tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định; đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…

Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố tập trung khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai thực hiện Đề án của Thành ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026; sơ kết 1 năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội...

UBND thành phố cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn. Thực hiện tốt diễn tập khu vực phòng thủ tại 9 quận, huyện, thị xã và 2 sở, ngành.

UBND thành phố cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố...

Những nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng tiếp theo

Sau khi nghe các sở, ban, ngành, địa phương thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, về công tác phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn lưu ý về nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng tiếp theo của năm 2022. Theo đó, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, kỳ họp HĐND thành phố sắp tới có nhiều báo cáo, dự thảo nghị quyết do UBND thành phố dự thảo trình HĐND thành phố.

“Thành ủy cũng đã có kết luận về các nội dung này, đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các ban của HĐND thành phố tiếp tục hoàn thiện báo cáo bảo đảm tiến độ, chất lượng. Khi HĐND thông qua, phải có kế hoạch triển khai ngay”, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố nói.

Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng lưu ý đặc biệt về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền cho các đơn vị, địa phương. UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của thành phố trong các ngành, lĩnh vực để đề xuất điều chỉnh phân cấp cho phù hợp với văn bản pháp luật và thực tiễn của Thủ đô.

Về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố cho rằng, sức khỏe của người dân rất quan trọng, từ đó giao Văn phòng UBND thành phố và Sở Y tế phối hợp tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cụ thể về các nhóm nhiệm vụ của ngành. Ngoài ra, các ban, ngành thành phố tiếp tục nghiên cứu có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, có đề xuất cụ thể về nội dung này.

“Thời gian tới, đề nghị tập trung tháo gỡ cho ngành Y tế tiếp tục công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa hè”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Liên quan công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, thành phố đã có 6 tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, các tổ công tác phải bám sát từng địa bàn, cơ quan, đơn vị phụ trách để bảo đảm tỷ lệ giải ngân từ 90-95% trong năm 2022. Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thành phố Hà Nội trong quý II-2022 đã phục hồi mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.