Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì tuyên truyền, vận động

Bảo Vy| 03/04/2018 07:06

(HNM) - Thực tế “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” mang tính định hướng, vận động thực hiện là chính, nên nhiều hành vi vi phạm ứng xử nơi công cộng chưa được xử lý.


Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội mới đây, nhiều đại biểu HĐND thành phố chất vấn Sở Văn hóa - Thể thao về cách thức triển khai quy tắc này bởi nếu không có trọng tâm, trong điểm thì hiệu quả không cao.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Tô Văn Động cho biết, không có cách nào khác là đẩy mạnh tuyên truyền. Sở tham mưu cho thành phố đã in 20.000 sổ tay “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” phát đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; phối hợp tổ chức cuộc thi ảnh báo chí “Người Hà Nội ứng xử văn minh thanh lịch năm 2017”, tọa đàm “Thanh niên Thủ đô ứng xử văn hóa, hành động văn minh”; tập huấn cho cán bộ phụ trách phong trào văn hóa cơ sở nhằm triển khai đến các xã, phường, thị trấn.

Tại nơi công cộng như vỉa hè, lòng đường, chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè, chiếm dụng lòng đường. Tại vườn hoa, công viên có biển báo nhắc nhở không hái hoa, bẻ cành cây. Tại siêu thị, trung tâm thương mại kêu gọi xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy. Tại bến xe, nhà ga, khu vui chơi giải trí có tuyên truyền về việc không gây rối, tranh giành, chèo kéo khách, tăng giá dịch vụ.

Tuy nhiên, thực tế “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” mang tính định hướng, vận động thực hiện là chính, nên nhiều hành vi vi phạm ứng xử nơi công cộng chưa được xử lý. Để thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của mọi người ở nơi công cộng đòi hỏi kiên trì tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, cần tập trung vào các khu vực dễ xảy ra các tình huống ứng xử không đẹp, như chợ, bến xe, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì tuyên truyền, vận động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.