Y tế

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:Chủ động các phương án không để dịch bệnh sởi bùng phát

Thu Trang thực hiện 06/04/2025 - 06:11

Từ cuối năm 2024 đến nay, dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp và gia tăng số ca mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

Trước thực tế đó, ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án ứng phó như thế nào để khống chế, không để dịch bệnh sởi lây lan và bùng phát? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương.

Chưa xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân

so-y-te.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương.

- Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội vào thời điểm hiện nay?

- Trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố được kiểm soát. Tuy nhiên, một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng như: Sởi, tay chân miệng... Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 4-4, toàn thành phố đã ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tuần gần đây. Cụ thể, trung bình mỗi tuần ghi nhận 155 trường hợp. Riêng trong tuần từ ngày 28-3 đến ngày 4-4 ghi nhận 206 ca mắc. Hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc sởi; trong đó một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Đống Đa, Tây Hồ và Hoàn Kiếm. Hầu hết bệnh nhân là trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 60%) và chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh (chiếm 91%). Dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sởi có thể tiếp tục gia tăng trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình đó, ngay từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện giám sát chặt chẽ, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống; duy trì thường trực chống dịch. Đồng thời, giám sát tình hình bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, giám sát các ổ dịch cũ, ổ dịch mới.

- Xin ông cho biết, qua giám sát tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, công tác điều trị bệnh nhân sởi đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra và có xảy ra tình trạng quá tải?

- Hiện nay, tại các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi chưa xảy ra tình trạng quá tải. Qua công tác giám sát, chúng tôi cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Cùng với đó, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về giám sát, phân luồng, cách ly, chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Đồng thời, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các cơ sở điều trị phải bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, nhất là chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng bệnh nhân sởi nhập viện.

tiem-soi.jpg
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên).

- Ông có lưu ý đặc biệt gì đối với các cơ sở khám, chữa bệnh để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi?

- Để thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp đủ nước sạch và các phương tiện vệ sinh tay cho nhân viên y tế, có sẵn các dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị cần lên kế hoạch quản lý tất cả những người bệnh có triệu chứng về đường hô hấp như ho hoặc hắt hơi…, chuyển khám, sàng lọc phát hiện sớm bệnh để cách ly điều trị.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị, hằng ngày làm sạch và khử khuẩn các bề mặt dễ bị nhiễm vi sinh vật như các vật dụng xung quanh người bệnh, thành giường, tủ đầu giường và các vật dụng thường xuyên sờ vào như tay nắm cửa, vật dụng trong nhà vệ sinh… Mặt khác, thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc người bệnh, cho trẻ nằm phòng cách ly bảo đảm thoáng khí, đủ ánh sáng; theo dõi sát nhằm phát hiện kịp thời diễn biến nặng của bệnh như trẻ mệt, li bì sốt cao, ho nhiều thở nhanh… để kịp thời xử lý. Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Nhân viên y tế tăng cường tìm hiểu tiền sử tiêm chủng để tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thường xuyên đánh giá nguy cơ để kịp thời ứng phó

- Hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn thành phố đã đạt được yêu cầu đề ra? Sau khi tiêm phải mất thời gian bao lâu để cơ thể có kháng thể ngăn ngừa bệnh sởi, thưa ông?

- Song song với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ tháng 2-2025, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi - đối tượng chưa trong diện tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng thường xuyên. Tính đến ngày 31-3, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ trong chiến dịch này đạt hơn 97%, vượt chỉ tiêu do Chính phủ và Bộ Y tế đề ra. Trước đó, vào cuối năm 2024, Hà Nội đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, đạt tỷ lệ trên 96,6%. Sau khi tiêm vắc xin phải cần từ 2 đến 4 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ.

- Biện pháp triển khai tiếp theo nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh sởi lây lan là gì, thưa ông?

- Mục tiêu mà thành phố đặt ra là khống chế, không để dịch bệnh sởi lây lan và bùng phát. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát từ thành phố đến xã/phường/thị trấn nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch. Đối với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời. Mặt khác, tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Bên cạnh đó, tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng của chiến dịch, tránh bỏ sót đối tượng. Đồng thời, tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân không chủ quan và chủ động thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong đó đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, liên ngành Y tế - Giáo dục cần tăng cường phối hợp đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại trường học.

- Trước sự gia tăng số ca mắc sởi trong thời điểm hiện nay, để chủ động phòng, chống nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ, nhất là tại các cơ sở giáo dục, ông có lời khuyên gì?

- Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu phòng các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Vì vậy, bố mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch và đủ liều. Đồng thời, tránh để trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ. Đối với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, khi phát hiện có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi như: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra. Tuyệt đối không nên chủ quan tự ý điều trị bệnh sởi tại nhà bằng bất cứ phương pháp nào.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương: Chủ động các phương án không để dịch bệnh sởi bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.