Cho đến lúc này, ngành Thể thao Việt Nam tạm “khoanh” danh sách các môn thể thao được đầu tư trọng điểm trong kế hoạch chuẩn bị tham gia các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 - 2046.
Danh sách gồm 17 môn, còn chờ trình để cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Bơi, cử tạ, đấu kiếm, cầu lông, bắn cung, bắn súng, boxing, điền kinh, taekwondo, vật, đua thuyền, xe đạp, karate, judo, thể dục dụng cụ, cầu mây và wushu. Trong số này, một số môn được “quy hoạch” với mục tiêu chính là Olympic, một số cho mục tiêu giành huy chương tại ASIAD.
Theo dự kiến của ngành Thể thao, kinh phí đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm cần khoảng 175 - 180 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030. Số tiền này tăng lũy tiến 10% cho các giai đoạn tiếp sau.
Nhìn chung, dù chưa rõ kế hoạch đầu tư cụ thể cho từng môn trong từng năm nhưng có thể nhận ra rằng, khoản kinh phí đầu tư dự kiến nói trên không phải là nhiều, đặc biệt là khi nhiều môn thể thao tại Việt Nam chưa có sức hút đối với nguồn kinh phí xã hội hóa.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là phương án đầu tư cụ thể cho từng bộ môn sẽ được thực hiện trên cơ sở nào, liệu có rơi vào cảnh cào bằng, dàn trải hay không?
Cuối tuần trước, Cục Thể dục thể thao Việt Nam tổ chức hội nghị về xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 - 2046.
Từ chủ đề hội nghị - không có nội dung liên quan tới SEA Games, có cảm giác về tầm nhìn, hướng ưu tiên của thể thao Việt Nam trong hành trình tham gia các đấu trường thể thao quốc tế trong thời gian tới. Tầm nhìn đúng đắn chi phối kế hoạch hành động, theo đó ngay với các môn được đưa vào danh mục đầu tư trọng điểm cũng cần được phân loại để có cách đầu tư hợp lý.
Trong tương lai gần, với điều kiện ngân sách đầu tư cho phần việc này còn hạn chế, cần có sự xem xét cụ thể hơn để thu hẹp hoặc thay đổi số môn nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm.
Mục tiêu tập trung đầu tư không chỉ là những môn đã và đang có được thành tích quốc tế khả quan, mà còn là những môn được đánh giá phù hợp với người Việt và có tương lai phát triển tốt.
Ngược lại, có những môn đang cho thành tích tốt nhưng không phải là môn thể thao phổ cập tại châu lục hay thế giới thì nên đưa ra ngoài diện đầu tư trọng điểm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.