Chấp hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) tháng 1-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chi viện của miền Bắc cho cuộc đấu tranh, giải phóng miền Nam.
Tuyến chi viện chiến lược trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn xuyên suốt dãy Trường Sơn, là biểu tượng của quyết tâm sắt đá và tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tuyến chi viện chiến lược độc đáo
Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Từ những ngày đầu, lực lượng còn ít với bao gian khó hiểm nguy, vượt suối băng đèo, soi đường mở lối, lập trạm, vận chuyển bằng gùi thồ chi viện cho chiến trường miền Nam, Đoàn 559 cùng với lực lượng của Khu 5, Đoàn B90 nối thông tuyến giao liên Nam - Bắc vào miền Đông Nam Bộ, đưa bộ đội vào chiến trường.
Từ những kho trạm nhỏ, đường mòn ban đầu đến giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, căn cứ chiến lược Trường Sơn đã phát triển xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với chiều dài trên 1.000km. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và bố trí phù hợp với yêu cầu của chiến trường, gồm trên 16.000km đường ô tô, 1.400km đường ống xăng dầu, trên 500km đường sông, 1.400km đường dây thông tin tải ba, 4 bệnh viện, 165 bệnh xá, đội điều trị, đội phẫu thuật, các xưởng sửa chữa, trạm trú quân…
Trong suốt 16 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1959-1975), Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và Đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu, Bộ đội Trường Sơn đã huy động nhiều lực lượng tham gia. Trong chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 968 hướng Pleiku, Sư đoàn 470 bảo đảm cầu đường, Sư đoàn 471 vận chuyển hàng trực tiếp phục vụ chiến dịch, 2 trung đoàn phòng không, 2 trung đoàn đường ống, 1 trung đoàn thông tin trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Riêng Sư đoàn bộ binh 968 trên hướng nghi binh, ngày 1-3-1975 đã nổ súng tiến công tuyến phòng thủ của địch ở Tây Nam thị xã Pleiku, sau đó tiến công giải phóng thị xã Kon Tum, quận lỵ Thanh Bình.
Ngày 31-3-1975, sau thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi” và quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, với tư tưởng chỉ đạo là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Cùng với cả nước, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã huy động 9 sư đoàn, gồm 4 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn xe ô tô, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh, 1 đoàn chuyên gia cố vấn, 3 sở chỉ huy tiền phương: Tây Nguyên (từ Chiến dịch Tây Nguyên), Đà Nẵng và 1 sở chỉ huy cạnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc tổ chức lực lượng vận tải, công binh phục vụ tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị đột xuất của Bộ Tổng Tư lệnh huy động một lực lượng lớn xe ô tô cơ động gấp Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 vào tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn. Bộ đội Công binh Trường Sơn vừa bảo đảm cơ động cả hai hướng Tây và Đông theo đường số 1. Lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh có các trung đoàn xe của 2 sư đoàn xe, Sư đoàn phòng không 377, 2 sư đoàn công binh, 2 trung đoàn cầu và 2 trung đoàn đường ống.
Thời điểm “cả nước cùng ra trận”, ngày 7-4-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh chiến đấu thiêng liêng được Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn chỉ thị cho các đơn vị phổ biến ngay đến từng cán bộ, chiến sĩ. Cả Trường Sơn từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam nườm nượp xe, người, súng, pháo, từng đoàn xe dài hàng ki lô mét chở quân, chở hàng cùng hàng trăm xe kéo pháo, xe công trình… hối hả tiến về Nam.
Với thế và lực áp đảo kẻ thù, đòn tiến công của quân chủ lực ta kết hợp với phong trào nổi dậy của nhân dân Sài Gòn đã đè bẹp mọi sự phản ứng điên cuồng của địch. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên tầng cao dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong chiến thắng vĩ đại đó, Bộ đội Trường Sơn đã góp sức lực, trí tuệ, xương máu của mình cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện chi viện chiến lược của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, cơ động các binh đoàn thần tốc cùng nhân dân giải phóng Sài Gòn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn đã đánh hơn 11 vạn trận, bắn rơi 2.458 máy bay Mỹ các loại, tiêu diệt và bắt trên 18.000 tên địch.
Hội tụ sức mạnh toàn dân, toàn diện
Năm tháng trôi qua, nhưng tuyến chi viện chiến lược - chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong 16 năm đã đóng góp sức lực, xương máu, lập nên kỳ tích của lực lượng Bộ đội Trường Sơn mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, Quân đội ta như một bản thiên anh hùng ca bất diệt.
Nguồn gốc thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn là sự hội tụ của nhiều nhân tố, trước hết, đó là sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của nhân dân. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung lực lượng ngày càng lớn để thực hiện nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược, đồng thời thường xuyên theo dõi lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giải quyết những khó khăn, trở ngại hết sức gay gắt của Mặt trận Trường Sơn.
Nhân dân ta với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã dồn sức người, sức của cho tiền tuyến, bảo đảm cho chiến trường thắng lợi. Hàng triệu thanh niên hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đồng bào các dân tộc nơi tuyến đường Trường Sơn đi qua đã không tiếc tài sản, kể cả tính mạng của mình để bảo đảm cho xe ra tiền tuyến với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Trung ương và các địa phương đã bảo đảm mọi nhu cầu của chiến trường Trường Sơn, động viên hàng ngàn cán bộ khoa học, hàng vạn thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến phục vụ tuyến đường. Hàng trăm đoàn nghệ thuật, văn nghệ sĩ, nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh vào động viên Bộ đội Trường Sơn…
Cùng với đó, các chiến trường đã phối hợp với Mặt trận Trường Sơn đánh địch để mở rộng căn cứ, phát triển tuyến đường. Tuyến chi viện tiếp sức cho chiến trường, chiến trường đánh thắng lại tạo thế và lực mới cho tuyến chi viện. Tuyến hậu phương quân đội, hậu phương quốc gia, lực lượng vận tải của hải quân và không quân đã bảo đảm căn cứ xuất phát, chi viện lực lượng cho đường Trường Sơn suốt cả quá trình chiến tranh.
Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, đặc biệt là sự đóng góp hết sức to lớn của nhân dân Lào anh em, đã bảo đảm cho thế đứng chân vững vàng của tuyến chi viện chiến lược. Đông và Tây Trường Sơn là địa bàn chiến lược vững chắc nối liền hậu phương của cách mạng ba nước, một biểu hiện cụ thể của liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước, trở thành một hậu phương chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân và dân ta sẽ còn mãi trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, trong ký ức và tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.