Điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng: Sức bật từ hiện tượng phim “Địa đạo”; Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương: Chủ động các phương án không để dịch bệnh sởi bùng phát; Số hóa dữ liệu tại Hà Nội: Nhiều lợi ích thiết thực; Giám sát hoạt động khuyến mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bài 6: Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: Biểu tượng ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 6-4-2025.
Điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng:
Sức bật từ hiện tượng phim “Địa đạo”
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản thành công vượt trội bởi đưa người xem bước vào cuộc chiến và đời sống thường nhật của những du kích trong lòng địa đạo Củ Chi - căn cứ địa cách mạng kiên trung trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Tác phẩm không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đạt nhiều ấn tượng phòng vé. Điều này mở ra hy vọng mới cho điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng bật lên mạnh mẽ.
Đặc biệt, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim truyện đầu tiên về đề tài chiến tranh cách mạng không sử dụng ngân sách nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương: Chủ động các phương án không để dịch bệnh sởi bùng phát
Từ cuối năm 2024 đến nay, dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp và gia tăng số ca mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Trước thực tế đó, ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án ứng phó như thế nào để khống chế, không để dịch bệnh sởi lây lan và bùng phát? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương.
Trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố được kiểm soát. Tuy nhiên, một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng như: Sởi, tay chân miệng...
Mục tiêu mà thành phố đặt ra là khống chế, không để dịch bệnh sởi lây lan và bùng phát. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát từ thành phố đến xã/phường/thị trấn nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch.
Số hóa dữ liệu tại Hà Nội: Nhiều lợi ích thiết thực
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội, hiện nay đã số hóa, cập nhật vào phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp hơn 7,6 triệu dữ liệu hộ tịch; gần 8 triệu người đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; xác minh, làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe gần 6,45 triệu người dân trên toàn thành phố.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025.
Giám sát hoạt động khuyến mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, vẫn có không ít những doanh nghiệp, cửa hàng lợi dụng cơ hội này để khuyến mại ảo, bán hàng kém chất lượng. Do vậy, công tác giám sát hoạt động khuyến mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được chú trọng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, thời gian qua đã có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mại, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng các chiêu trò để “móc túi” khách hàng.
Để hoạt động khuyến mại đi vào nền nếp, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mại trên địa bàn; tích cực hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thông báo đăng ký thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):
Những dấu mốc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Bài 6:
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh:
Biểu tượng ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc
Chấp hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) tháng 1-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chi viện của miền Bắc cho cuộc đấu tranh, giải phóng miền Nam. Tuyến chi viện chiến lược trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn xuyên suốt dãy Trường Sơn, là biểu tượng của quyết tâm sắt đá và tình cảm thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong suốt 16 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1959-1975), Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Cuộc tiến công chiến lược 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và Đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.
Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân và dân ta sẽ còn mãi trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, trong ký ức và tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.