Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì nâng cao nhận thức người dân

Minh Quang| 24/08/2018 06:45

(HNM) - Những cuộc khảo sát về phát triển du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội gần đây cho thấy vai trò quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng. Việc mở lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch là cần thiết, nhưng phải được thực hiện bài bản, trên tinh thần kiên trì nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, coi trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Người dân xã Ba Vì (huyện Ba Vì) giới thiệu nghề làm thuốc Nam với Đoàn khảo sát hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của Sở Du lịch Hà Nội.Ảnh: Minh Hùng


Nhu cầu tất yếu

Tại Đại hội thành lập Chi hội Lữ hành Hà Nội được tổ chức cách đây hơn 2 tháng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nhắc đi nhắc lại câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các địa phương khi cho rằng đây là vấn đề sống còn đối với du lịch Hà Nội.

Về vấn đề nói trên, trong lần tổ chức lớp bồi dưỡng với chủ đề nâng cao nhận thức về văn hóa du lịch cộng đồng tại quận Tây Hồ, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: “Điều đáng quan tâm nhất đối với cộng đồng khi tham gia làm du lịch là tính chuyên nghiệp và khả năng ngoại ngữ. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng nhưng phần lớn người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ. Khi các công ty lữ hành đưa khách đến, họ chỉ tham gia một số việc đơn giản như phục vụ các bữa ăn, khuân vác... Công việc chính như thiết kế chương trình và hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng vùng miền lại thuộc quyền của đơn vị lữ hành”.

Báo cáo tổng kết công tác phát triển du lịch Hà Nội từ năm 2008 đến năm 2018 cho thấy, Thủ đô hiện có khoảng 200.000 lao động gián tiếp, trong đó, ít nhất một nửa là người dân địa phương. Điều đó cũng có nghĩa là từng đó người cần được đào tạo, nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng. Thực tế, trong khoảng 4 năm gần đây, có nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức du lịch cộng đồng đã được tổ chức. Trong số này, có hơn 10 lớp do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức cho khoảng 1.000 người học, còn lại do ngành Văn hóa của các quận, huyện, thị xã, các trung tâm đào tạo du lịch, doanh nghiệp lữ hành… tự tổ chức. Từ những lớp học này, nhận thức về du lịch của người dân đã được cải thiện đáng kể.

Ông Đào Xuân Quang (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), người từng tham dự một lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho biết: “Trước đây tôi nghĩ làm du lịch là việc đơn giản. Nhưng khi tham gia mới hiểu mình cần phải có kiến thức rộng hơn, từ cách ứng xử, giao tiếp, kỹ năng tuyên truyền để người khác bỏ thói quen làm ăn chộp giật đến giới thiệu nét đẹp của địa phương. Bên cạnh đó là cách giúp du khách có được trải nghiệm tối đa trong môi trường văn hóa đậm chất thôn quê. Để làm được điều đó thì phải có vốn ngoại ngữ…”.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh, từ năm 2015 huyện đã chú trọng bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư tại xã Thụy Lâm và xã Cổ Loa - hai địa phương trọng điểm về phát triển du lịch. Các lớp bồi dưỡng đều đạt hiệu quả nhất định khi người dân đã hiểu về tầm quan trọng của việc giữ gìn hình ảnh địa phương, kỹ năng thu hút du khách và ý nghĩa của việc phát triển du lịch bền vững.

“Mưa dầm thấm lâu”

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm 2018 sẽ tổ chức ít nhất 6 lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư. Và về lâu dài, sẽ có nhiều lớp tương tự được tổ chức. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Thủ đô.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã nêu rõ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Còn theo Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì tới năm 2020, lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch Hà Nội cần có hơn 127.000 người, lao động gián tiếp là 383.000 người. Năm 2030, ngành Du lịch cần 250.000 lao động trực tiếp, 750.000 lao động gián tiếp. Như vậy, việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư càng trở nên cấp thiết, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, nâng cao nhận thức về cách làm du lịch của người dân là phần việc “mưa dầm thấm lâu”. Sau khi tham dự lớp bồi dưỡng, nhận thức của họ sẽ thay đổi từ từ chứ không thể “một sớm một chiều”. Ngoài ra, mỗi người dân cần được tham gia những lớp bồi dưỡng khác nhau để đa dạng các mảng kiến thức, qua đó giúp ích cho phát triển du lịch. Đó là kinh nghiệm từ thực tế hoạt động du lịch tại Đông Anh.

Mở lớp là việc cần, nhưng các lớp học phải được quan tâm đầu tư kỹ lưỡng thay vì “mở cho có”. Sự quan tâm đó không chỉ thể hiện ở việc lo kinh phí, chọn người đứng lớp, mà còn ở phần việc xác định nội dung học tập và chọn người học phù hợp. Thực tế cho thấy, có lớp mở ra nhưng học viên toàn người lớn tuổi, khó có thể đóng góp hiệu quả vào công tác phát triển du lịch của địa phương.

Hàng loạt đầu việc cần làm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về cách làm du lịch, cho thấy đây là vấn đề không đơn giản, cần nhiều thời gian. Điều quan trọng là phải kiên trì, chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì nâng cao nhận thức người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.