Chính trị

Phát huy chất lượng nguồn nhân lực đóng góp cho Thủ đô

Thành - Hân (thực hiện) 27/11/2023 - 12:10

Sáng 27-11, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên hành lang kỳ họp thứ sáu, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông):
Cần chính sách đặc thù thu hút nhân tài

c6c59c734f76e628bf67.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông).

Chúng ta đều thấy về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô. Sau một thời gian thực hiện, Luật Thủ đô năm 2012 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào phát triển Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Lần sửa đổi này, tôi quan tâm đến việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố. Thủ đô Hà Nội với vai trò, vị trí trung tâm đặc biệt, dân số đông như vậy thì việc tăng lên là cần thiết. HĐND thành phố là cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố Hà Nội và quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố ở địa phương nên việc tăng đại biểu chuyên trách là thỏa đáng.

Về chính sách thu hút nhân tài, đây là một trong những chính sách vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thủ đô Hà Nội cần phải có chính sách đặc thù ở lĩnh vực này. Hiện nay, ở nhiều cơ quan, đơn vị, bộ, ngành và các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tình trạng “chảy máu chất xám”. Một số người có năng lực, trình độ vì rất nhiều lý do khác nhau đã chuyển ra ngoài để có điều kiện, môi trường làm việc và cuộc sống tốt hơn.

Chính vì vậy, chính sách thu hút nhân tài tại Hà Nội được thiết kế trong dự thảo Luật phải làm sao đủ hấp dẫn để thu hút người có năng lực và phát huy được hết tâm huyết, nhiệt huyết trong mỗi người để tạo thành nguồn lực đóng góp cho Thủ đô.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa):
Sử dụng hiệu quả quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, đơn vị

5008217dcd0e64503d1f.jpg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa).

Tôi đồng tình với quy định trong dự thảo Luật về các sơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục và các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô thì phải thực hiện di dời.

Quỹ đất sau khi các cơ quan, đơn vị di dời cần ưu tiên thực hiện xây dựng, phát triển các không gian công cộng và bảo tồn, phát huy các văn hóa, giá trị văn hóa. Chúng ta phải đặt vấn đề này từ khi xây dựng quy hoạch Thủ đô chứ không phải chờ đến khi sửa Luật. Trong khi thực tế tại Luật Thủ đô hiện hành đã quy định việc ưu tiên về phát triển công trình công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không được xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch tại các quỹ đất đã được di dời.

Khi xây dựng Luật Thủ đô năm 2012, nội dung này cũng đã được bàn bạc, quy định không được xây dựng nhà cao tầng nhưng cuối cùng lại thêm nội dung “sai quy hoạch” thì thực ra không có công trình nào là sai quy hoạch cả, vì đã nằm trong quy hoạch thì mới xây dựng được.

Nội dung này trên thực tế đã không thực hiện được, từ đó khiến quy định của Luật Thủ đô hiện hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Lần sửa đổi Luật này, nếu tiếp tục quy định như thế thì tôi nghĩ cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, cần xác định rõ những quỹ đất đã được di dời để làm gì và chỉ để làm gì thì quy định mới thực sự có hiệu quả.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):
Cơ hội để y tế Thủ đô “cất cánh”

balan.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Hiện trạng y tế tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng chung “cảnh ngộ”, với những khó khăn, áp lực giống nhau khi ở trong tình trạng quá tải, là tuyến đầu điều trị cho các ca bệnh nặng từ các tỉnh lân cận.

Tôi tán thành với những quy định tại dự thảo Luật, bởi đây sẽ là cơ hội để xây dựng hệ thống y tế Thủ đô "cất cánh" theo hướng tiên tiến và hiện đại, theo mô hình 3 cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn thực hiện. Thành phố sẽ tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sẽ được nâng cao.

Đặc biệt, quy định mới tại dự thảo Luật cho phép mở rộng quy mô giường bệnh là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của dân cư Hà Nội và người dân cả nước.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, tôi mong muốn có các quy định cụ thể, cơ chế đặc thù tăng mức lương của người phục vụ trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên):
Cần tính toán yếu tố đặc thù của dân cư trong quản trị đô thị

dd7798a171d2d88c81c3.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên).

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển đô thị phải được xác định rõ một số nguyên tắc nhằm tạo thuận lợi cho việc xây dựng chính quyền đô thị và thẩm quyền của Hà Nội khi thành lập hay quyết định cơ cấu tổ chức và số lượng biên chế ở một số đơn vị và cơ quan.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra yếu tố liên quan đến số lượng dân số trong tổ chức bộ máy, điều này tôi đồng ý, nhưng một yếu tố nữa cần tính đến là đặc thù của dân cư. Dân cư đô thị cũng sẽ có tính chất quản lý khác với vùng dân số đông như dân số nông thôn, do đó tính chất quản lý, mô hình chính quyền của Hà Nội quản lý sẽ khác. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thủ đô cần căn cứ vào các yếu tố nêu trên.

Liên quan đến thẩm quyền Hà Nội được ban hành thêm một số chính sách để quản lý đô thị, tôi cho rằng cần phải quy định những nguyên tắc trong việc quản lý và kiểm soát dân số. Hiến pháp đã quy định người dân có thể được tự do chọn cư trú nhưng phải căn cứ trên một số các điều kiện nhất định.

Nếu không kiểm soát được dân số và đặc biệt là gia tăng dân số cơ học không tương xứng với phát triển về hạ tầng, kinh tế xã hội sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề về xã hội, an ninh trật tự. Phải có một tiến trình đồng bộ mới có thể kiểm soát và quản lý đô thị phát triển hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)
Hoàn thiện quy định về thu nhập tăng thêm

vn.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).

Sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều điểm mới, nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu, ví dụ như đề xuất bỏ HĐND cấp xã, phường và tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, đặc biệt là tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách; tăng thêm các thẩm quyền cho chính quyền đô thị…

Ngoài ra, dự thảo Luật có quy định, Thủ đô Hà Nội được quyền sử dụng nguồn kinh phí tự chủ để chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức phần thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần so với mức lương cơ bản. Đây là sự động viên rất lớn đối với người lao động.

Tuy nhiên, do có nhiều cơ quan trung ương đóng tại Thủ đô Hà Nội nên tôi băn khoăn trước việc công chức của cơ quan trung ương đóng tại Thủ đô Hà Nội, chịu cùng mặt bằng giá cả sinh hoạt như công chức của Thủ đô, nhưng thu nhập lại có sự chênh lệch rất đáng kể. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện những quy định ở nội dung này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy chất lượng nguồn nhân lực đóng góp cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.