(HNM) - Nền kinh tế đã vận hành qua nửa năm, với một số kết quả tích cực, nhất là việc kiềm chế tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm ổn định đời sống dân sinh. Trên cơ sở đó, để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2019, các ngành, các cấp cần tiếp tục có các giải pháp với mục tiêu kiên trì kiềm chế lạm phát.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 6 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân của 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Kết quả này có được do 3 nhóm hàng giảm so với tháng trước, gồm giao thông giảm 1,73%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; bưu chính - viễn thông giảm 0,1%. Đây là sự tất yếu do tác động của việc giảm giá xăng dầu, bên cạnh hiệu quả của việc cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cạnh tranh lành mạnh. Do đó, người tiêu dùng được hưởng lợi cả về chất lượng và giá dịch vụ, cũng nhờ đó góp phần kiềm chế lạm phát.
Trong một diễn biến mới, từ ngày 1-7, mức lương cơ sở đã tăng thêm 100.000 đồng/tháng, như vậy sẽ bổ sung đáng kể vào nguồn thu nhập của những người hưởng lương ngân sách. Bà Phạm Thị Thư (ngõ 22, phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho biết: "Giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm đang ổn định, không có gì bất thường. Hiện nguồn cung hàng hóa trên thị trường đang rất phong phú, không có biểu hiện “té nước theo mưa” sau khi có việc tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang...".
Nhận định của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tăng bình quân trong 6 tháng qua ở mức thấp đã khẳng định hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát như một ưu tiên hàng đầu của năm 2019. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nhìn chung các nhóm hàng đều được kiểm soát tốt trong khi việc điều chỉnh giá xăng dầu, hoặc giá điện đều đã nằm trong kịch bản điều hành của Chính phủ; không bị rơi vào thế bị động. Hiện, sức cung các mặt hàng, nhất là nông sản, thực phẩm vẫn dồi dào. Các trang trại, nông dân đã được khuyến cáo sản xuất nông nghiệp sạch, kết hợp bảo đảm số lượng và chất lượng sản phẩm; từ đó bảo đảm mục tiêu bình ổn giá thị trường.
Các đơn vị thuộc lĩnh vực phân phối, bán lẻ cũng đang tích cực vào cuộc, nỗ lực bảo đảm cung - cầu, giữ giá để phục vụ người tiêu dùng một cách thiết thực. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, trong một số trường hợp cụ thể nếu nhà cung cấp đưa ra đề nghị tăng giá đối với hàng hóa, sản phẩm đầu vào, đơn vị vẫn chủ động yêu cầu đàm phán để tìm giải pháp tốt nhất trên tinh thần dung hòa quyền lợi giữa hai bên cung - cầu, vì quyền lợi lâu dài của khách hàng.
Trong cuộc họp gần đây về việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành..., Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã nhấn mạnh, kết quả kiềm chế lạm phát trong 6 tháng qua là tích cực, tạo dư địa cho việc điều hành giá cả từ nay đến cuối năm. Chính phủ kiên định mục tiêu khống chế lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,3%-3,9% và yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành liên quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ tăng cường công tác dự báo, kiểm soát thị trường, chống khan hàng giả tạo, ổn định nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại; nhất là việc hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ duy trì theo dõi diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, Bộ cũng tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm; thâm canh các loại rau, quả... đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu... Với các giải pháp đồng bộ kể trên, hy vọng việc kiềm chế lạm phát sẽ nằm trong kịch bản điều hành của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.