Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 đã diễn ra sáng 17-7, tại cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương khu vực Tây Bắc tham dự. Nói chuyện với các nhà đầu tư, Thủ tướng đưa ra tinh thần “một Sơn La, ba điểm đến” với ba thế mạnh nổi trội: Các vùng tiểu khí hậu độc đáo, trong đó có cao nguyên Mộc Châu, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc địa phương độc đáo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư tại Sơn La. Ảnh: Doãn Tấn |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trở lại thăm Sơn La và cho rằng, mảnh đất miền núi vùng cao này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Với lợi thế của Sơn La, nếu có chiến lược đúng đắn thì nhất định sẽ thu hút đông đảo du khách, nhà đầu tư từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Nhắc lại yêu cầu về xây dựng một bộ máy hành chính nhạy bén, sâu sát, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, chính quyền Sơn La tiếp tục cải cách, chuyển động cả hệ thống để đáp ứng yêu cầu này.
Thủ tướng biểu dương kết quả thực hiện đường hướng kiến tạo, phát triển rất đáng khích lệ của huyện Vân Hồ - một trong những huyện nghèo nhất của Sơn La và Tây Bắc, nhưng năm 2017 đã thu hút được hai dự án quy mô 2.300 tỷ đồng từ Tập đoàn TH True Milk với nhiều mục tiêu tăng trưởng bao trùm, đem lại những giá trị bền vững về xã hội và môi trường. Từ câu chuyện ở Vân Hồ, phân tích sâu sắc hơn những yêu cầu, tiêu chí xây dựng Chính phủ kiến tạo ở các cấp, các ngành, Thủ tướng lưu ý kiến tạo phải bằng hành động để đem lại những kết quả cụ thể, nhất là ở cơ sở.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt ra 6 yêu cầu đối với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Trước hết, phải làm tốt công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh - trật tự xã hội cả truyền thống và phi truyền thống. “Phải luôn đảm bảo đời sống cho đồng bào, không để kẻ xấu lợi dụng”, Thủ tướng giao nhiệm vụ. Cùng với đó là thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường; tăng cường các mô hình liên kết; động viên ý chí khởi nghiệp, sự vươn lên của cả các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. “Phải xem họ là lực lượng phát triển chứ không phải nhìn vào khía cạnh là đối tượng chính sách, kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, làm theo tập quán cũ, ngại làm lớn, sợ rủi ro”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đề nghị Sơn La đẩy mạnh một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy du lịch địa phương, bổ sung cho tính đa dạng của du lịch tỉnh nhà, nhất là những sản phẩm “màu xanh của rừng”. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh (hiện đang đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố). Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước đầu tư, tỉnh cần chú ý phát huy nguồn lực mềm, yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ công chức, khả năng kết nối thông tin, internet...
Nhấn mạnh mục tiêu phải làm sao để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch cũng như nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng mong muốn Sơn La xây dựng được những mô hình có thể nhân rộng ra các tỉnh Tây Bắc.
Trao đổi với lãnh đạo 14 tỉnh miền núi Tây Bắc có mặt tại hội nghị, Thủ tướng rất trăn trở trước những thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi thời gian qua. “Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của địa phương; ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung. Trong khi đó, có bao nhiêu tấm gương ngày đêm vượt khó, đóng góp cho sự phát triển của vùng cao như các thầy, cô giáo ngày ngày cùng học sinh vượt mưa lũ đến trường, một lòng vì tương lai các thế hệ trẻ mà không quản ngại, lùi bước trước khó khăn; hay các doanh nghiệp dấn thân vào vùng cao, nghiên cứu đầu tư lâu dài, phát triển bền vững”, Thủ tướng đưa ra những hình ảnh thực tế để so sánh.
Gợi ý một số chỉ tiêu phát triển cho Sơn La về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đặt mục tiêu Sơn La phấn đấu đón 5 triệu khách du lịch vào năm 2020. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao và vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn; mở rộng đàn gia súc theo mô hình chăn nuôi đại gia súc; tận dụng các nguồn nước trong lành của lòng hồ sông Đà để nuôi trồng các loại thủy sản giá trị cao, có khả năng xuất khẩu lớn như cá tầm, cá hồi hiện mới làm được bước đầu. Sơn La còn là nguồn cung ứng lớn các loài hoa không chỉ trong nước, mà còn có thể tiến tới xuất khẩu...
Tại hội nghị, tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng.
Ngay sau khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư, chiều 17-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Sơn La đã đạt nhiều kết quả tốt về kinh tế - xã hội và kết quả này có được nhờ chuyển biến về tư duy và hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Tuy vậy, Thủ tướng đánh giá, Sơn La còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mà lớn nhất là đói nghèo... Đề cập nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng đề nghị Sơn La rà soát, tháo gỡ, chỉ đạo, hoàn thành vượt mức thu ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, phải tập trung giữ vững trật tự - an ninh biên giới, quan tâm phát triển doanh nghiệp. Về lâu dài, phải tiếp tục lựa chọn vấn đề để chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách rõ nét và đột phá hơn... Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Sơn La tăng cường hơn nữa việc xúc tiến các chương trình, dự án phát triển du lịch và luôn quan tâm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số, phấn đấu đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã giải quyết một số kiến nghị của tỉnh về hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.