UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2024.
Đây là một trong những chương trình lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 đến 8%/năm trong giai đoạn 2021-2025 đã được đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối đã được UBND thành phố xác định và triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2015-2020...
Theo chương trình đề ra, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với chủ đề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội.
Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này. Đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...
Để làm tốt việc này, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc - một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp. Chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.
Các hoạt động xúc tiến phải thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh và lợi thế so sánh của doanh nghiệp Thủ đô. Thường xuyên cập nhật thông tin và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đề xuất tổ chức các hoạt động xúc tiến phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh triển khai áp dụng các công nghệ mới, hiện đại, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế của thành phố vào công tác xúc tiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.