Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị Bộ Y tế ra quyết định cấm việc sử dụng chì trong thuốc cam

Gia Phong| 17/07/2017 12:48

(HNMO) - Theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngày 17-7, Khoa Nhi của bệnh viện hiện đang điều trị cho hai bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhi bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam.


Cụ thể, bệnh nhi Bùi Anh D. (6 tháng tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình) được chuyển đến Khoa Nhi trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, suy hô hấp, phải thở máy, kèm theo triệu chứng co giật, tổn thương não. Theo lời người nhà kể lại, bé D. có tiền sử bị viêm da cơ địa từ 1 tháng tuổi, gia đình đã dùng đủ loại thuốc bôi nhưng không khỏi nên chuyển sang dùng thuốc đông y, dạng thuốc cam.

Sau khi sử dụng được 24 ngày, bé bị nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút. Tại Khoa Nhi, bé được thở máy, dùng kháng sinh liều cao... Các bác sĩ cũng tiến hành lấy mẫu máu, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100 ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Khoa Nhi đã hội chẩn cùng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để có phác đồ thải độc chì cho bệnh nhi. Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khoẻ bệnh nhi đã có nhiều tiến triển, nồng độ chì đã giảm. Thế nhưng, việc thải độc chì sẽ vẫn cần tiếp tục thực hiện sau khi bệnh nhi được xuất viện.

Tương tự, cách đây 2 tháng, bệnh nhi Đỗ Thị Thu H. (7 tháng tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) có dùng thuốc cam mua ở hiệu thuốc để điều trị nang tuyến lệ. Khi trẻ xuất hiện loét miệng, gia đình đã mua một loại thuốc cam khác có dạng bột màu đỏ và dạng viên màu nâu của bà lang ở chợ (không có nhãn mác) về cho con uống, nhưng sau đó trẻ bị nôn nhiều, đi phân đen. Hiện tại, bệnh nhi bị tổn thương đường tiêu hóa, phổi, gan và được tiến hành thải độc chì.

Theo các bác sĩ của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc cam chứa chì là một trong các nguyên nhân gây ngộ độc chì hàng đầu tại nước ta. Khi vào cơ thể, chì theo máu đến gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa... gây ra các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói... Để thải chì ra khỏi cơ thể có khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, để tránh cho trẻ khỏi nhiễm độc chì, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ. Nếu có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Để góp phần phòng tránh ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Bộ Y tế, kiến nghị cấm đưa chì vào trong thuốc cam hoặc sử dụng chì làm vị thuốc chữa bệnh; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các điểm bán thuốc cam gây ngộ độc đã được phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị Bộ Y tế ra quyết định cấm việc sử dụng chì trong thuốc cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.