(HNM) - Để đẩy mạnh sản xuất rau an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đúng cách; trong đó, đặc biệt chú trọng đến phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Sản xuất rau an toàn tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phú An |
Nhờ quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng. Đơn cử, mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không sử dụng các loại: Phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, biến đổi gen, kích thích sinh trưởng, thuốc bảo quản) của trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); vùng rau hữu cơ xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn)… Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hàng trăm mô hình trồng rau VietGAP (chủ yếu sử dụng phân vi sinh, phân gà/lợn... ủ hoai mục) tại các xã, thị trấn: Văn Đức (huyện Gia Lâm), Tráng Việt, Tiền Phong (huyện Mê Linh), Đông Xuân (huyện Sóc Sơn)… Toàn thành phố phát triển được 35 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng mô hình giám sát cộng đồng (PGS). Theo đó, đã có 208 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản với số lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng 42 tấn/ngày. Sản phẩm của 35 chuỗi này được người tiêu dùng tin tưởng; thu nhập của người sản xuất tăng cao nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS...
Để có kết quả trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức 60 lớp huấn luyện nông dân về IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp, còn được gọi là phòng trừ tổng hợp) cho 1.800 nông dân; 100 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 5.000 người; in 25.000 tờ rơi, 8.000 catalog về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn... Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với các địa phương phát 2.727 lượt trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn với các nội dung tuyên truyền: Loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao, có nguy cơ gây hại sức khỏe con người và môi trường ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó thông tin về sản xuất, kinh doanh giống cây; kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón; tổ chức ký cam kết việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với 1.779 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Đi đôi với hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức sản xuất tốt tại các vùng rau an toàn, công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp cũng được Chi cục chú trọng. Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức kiểm tra đối với 4 công ty và 211 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 31 cửa hàng vi phạm, trong đó có 6 trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, buôn bán thuốc sai nhãn, giấy chứng nhận hết hạn sử dụng... xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 25 triệu đồng; phát hiện 11 cửa hàng kinh doanh phân bón không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón và 14 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm về điều kiện kinh doanh...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, chất lượng sản phẩm rau an toàn cần được kiểm soát ngay từ vùng sản xuất; chú trọng tuyên truyền để nông dân hiểu tác hại của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời, tạo nguồn nông sản theo quy chuẩn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cần tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể: Cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, IPM… Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn vật tư nông nghiệp nhằm loại bỏ vật tư nông nghiệp kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.