Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát lạm phát năm 2020: Khống chế dưới 4%

Hiền - Nga| 18/01/2020 06:24

(HNM) - Năm 2019 được coi là năm thành công trong việc kiểm soát lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 2,7%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2020 lại được dự báo là phức tạp hơn, để có thể duy trì kiểm soát lạm phát dưới 4% không dễ dàng, đòi hỏi quyết tâm lớn của các cấp, các ngành; đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2020, khi nhu cầu thị trường tăng cao, đẩy giá cả tăng…

Việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu... sẽ góp phần khống chế lạm phát. Ảnh: Anh Tuấn

Sẵn sàng nhiều kịch bản

CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua (2017-2019), là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức dưới 4% trong năm 2020.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, nguồn cung sụt giảm do bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên giá thịt lợn đã tạo "cú sốc" lớn cho thị trường. Kéo theo đó là việc tăng giá của hàng loạt thực phẩm, dịch vụ khác như thịt gà, thịt bò, cá, trứng..., với mức tăng từ 5% đến 10%. Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, với giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV-2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12-2019 tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm, nhưng mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn.

Đưa ra một số kịch bản lạm phát năm 2020 dựa trên giá thịt lợn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ phân tích, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong dịp Tết Nguyên đán nhờ bệnh Dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3%. Nếu giá thịt lợn vẫn giữ ở mức cao trong quý I-2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II-2020, lạm phát trung bình của cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%. Trường hợp xấu nhất xảy ra nếu bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó khăn.

Không chỉ vậy, nền kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức như động lực tăng trưởng từ khu vực chế biến, chế tạo đang có dấu hiệu chậm lại. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm nữa là các thách thức cho nền kinh tế đến từ các yếu tố khác như xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam đã đến ngưỡng và đang chịu tác động tiêu cực của xung đột thương mại...

Nhận định về rủi ro đối với lạm phát trong năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, đối với quốc tế, còn những khó khăn về thương mại đầu tư chưa thể tính toán hết. Trong nước, áp lực lạm phát năm 2020 khó hơn năm trước nhiều, chủ yếu là áp lực từ trong nước. Trong quý I, chắc chắn CPI bình quân cao hơn 4%, khi giá thực phẩm, thịt lợn tăng cao. Theo đó, năm nay sẽ có 2 kịch bản, kịch bản thấp nhất là lạm phát 3,59% và cao là 3,91%, với điều kiện nỗ lực kiểm soát và không điều chỉnh giá dịch vụ công.

Nếu việc chăn nuôi được khôi phục sớm, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3%. Ảnh: Nhật Nam

Giải quyết những điểm nghẽn

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả, mà còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn. Năm 2020 có nhiều yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng giá. Đáng chú ý, một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá phải tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình. Đó là: Giá dịch vụ y tế năm 2020 dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế (bước 3) và việc điều chỉnh chi phí tiền lương tăng. Giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 5%-6% theo lộ trình. Giá đất giai đoạn 2020-2024 sẽ được điều chỉnh tăng so với năm 2019.

Để đạt được mục tiêu CPI tăng dưới 4% trong năm 2020, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có giải pháp giảm các yếu tố bất lợi gồm: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 tương đối cao trong khi mô hình tăng trưởng chưa đổi mới căn bản, việc này sẽ tạo sức ép lên lạm phát; giá dịch vụ y tế và giáo dục tiếp tục tăng...

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, nguồn cung trong nước giảm và việc tái đàn chưa hiệu quả, nên dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2020. Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%), công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2020 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động; không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I-2020.

Về tổng thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, năm 2020, các bộ, ngành cần đẩy mạnh những đột phá chiến lược, giải quyết những “điểm nghẽn” về thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phải thực chất hơn. Từ đó khắc phục rủi ro, tính chồng chéo không thống nhất giữa các văn bản pháp luật, cải thiện "môi trường hệ sinh thái cho công chức công vụ", khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm,tạo động lực cho năm 2020 và các năm sau. Đặt mục tiêu khống chế lạm phát dưới 4% thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, bởi vậy các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát lạm phát năm 2020: Khống chế dưới 4%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.