Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

Hiền Lương| 05/09/2017 07:02

(HNM) - Hà Nội đã có nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Nhưng thực tiễn cho thấy, cần có thêm những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn.

TP Hà Nội có nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa hiện tượng lạm quyền, vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức, đặc biệt là người giữ vị trí lãnh đạo.Ảnh: Nhật Nam


Nhiều giải pháp hiệu quả


Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt, để kiểm soát quyền lực, 100% cấp ủy từ huyện xuống cơ sở thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm các quy chế công tác. Huyện cũng chú trọng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, thẩm quyền của tổ chức và cá nhân trong sinh hoạt đảng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy và mối quan hệ với hệ thống chính quyền, đoàn thể các cấp; đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở.

Trong khi đó, đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội khẳng định, không phát hiện vụ việc nào lạm dụng, lợi dụng quyền lực hoặc để người thân lợi dụng quyền lực từ năm 2010 đến nay. Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Phạm Chí Công cho biết, tập thể Đảng ủy cơ quan Văn phòng UBND thành phố đã trao quyền nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Bí thư Đảng ủy trong công tác điều hành. Tuy nhiên, những vấn đề lớn, các nội dung quan trọng liên quan đến định hướng phát triển, kế hoạch, chương trình công tác, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ… đều được Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy bàn bạc, thống nhất trước khi quyết định.

Trên bình diện chung, để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, Thành ủy Hà Nội đã có nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, như: Hoàn thiện hệ thống quy định về quy trình công tác, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thành phố xuống cơ sở; đổi mới công tác cán bộ, nhất là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đổi mới đánh giá, quy hoạch, đào tạo cán bộ. Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thụ lý hồ sơ hành chính với người dân, doanh nghiệp; thực hiện “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và “một đầu mối - một việc xuyên suốt”…

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát với tinh thần phòng ngừa sai phạm và xử lý nghiêm sai phạm để răn đe. Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy đối với các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành của thành phố…

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.752 đảng viên và 482 tổ chức Đảng; kiểm tra 18.451 tổ chức Đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 2.465 tổ chức Đảng cấp dưới… Sở Nội vụ cũng tiến hành 18 cuộc thanh tra chuyên ngành; tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch kiểm tra công vụ với cách làm ngày càng đổi mới, vào cuộc nhanh, tăng cường kiểm tra đột xuất… Còn theo Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy, bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Thanh tra thành phố đã triển khai thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên đề và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị.

Cần thêm những biện pháp mới

Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực còn gặp khó khăn. Phân tích của một số đồng chí lãnh đạo cơ quan chuyên trách công tác Đảng thành phố từng chỉ ra rằng, còn có sự vòng vo của cơ quan tham mưu, “chuyền bóng” giữa các sở, ngành với nhau; một bộ phận cán bộ, nhất là ở cấp phường, xã còn vô cảm trước những kiến nghị của dân… Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực còn nhiều bất cập.

Riêng về công tác kiểm tra, giám sát, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh, đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát của Đảng ở cấp quận, huyện chỉ có từ 5 đến 7 người, trong khi khối lượng công việc lớn, lại thường xuyên bị thay đổi vị trí công tác, chưa kể vấn đề năng lực. “Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để “thuộc bài” được là rất khó. Nếu không giữ ổn định đội ngũ để rèn luyện thì không thể đáp ứng được yêu cầu” - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nói.

Theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, phải chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức Đảng ở cơ quan nhà nước. Đại diện một số cơ quan thành phố cho rằng, Trung ương cần thể chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ; quy định về kiểm soát quyền lực cụ thể đối với từng đối tượng, ở tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, vai trò giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy phải được tăng cường hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần huy động sức mạnh của nhân dân, của cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; không có sự vào cuộc của đông đảo nhân dân thì không thể kiểm soát quyền lực. Để làm được điều này, trước hết cần đánh giá để làm căn cứ đổi mới, khắc phục tính hình thức trong thực hiện Quy định 76-QĐ/TƯ ngày 15-6-2000 về “Đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, Đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.