Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ môi trường công nghiệp ven biển: Nhu cầu cấp thiết

Thanh Hải| 11/07/2016 08:20

(HNM) - Việc kiểm soát chặt chẽ môi trường khu công nghiệp ven biển là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững.


Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu kinh tế ven biển Dung Quất đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.Ảnh: Minh Toàn


Sự cố môi trường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung vừa qua là bài học đau xót. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tại một số khu kinh tế ven biển như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa)... đã có ô nhiễm cục bộ, nhiều nơi ô nhiễm chất hữu cơ vượt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 lần, ô nhiễm dầu mỡ cao gấp 4-6 lần cho phép. Tuy nhiên, hầu hết các khu kinh tế ven biển đều mới hoạt động nên chất lượng môi trường chưa đến mức báo động, do vậy các cơ quan chức năng phải rà soát lại quy trình, đánh giá, kiểm soát môi trường trong chiến lược phát triển bền vững.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc bảo vệ môi trường có thực thi tốt hay không tốt còn phụ thuộc vào cơ chế giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cần mở rộng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội và người dân, để họ được tham gia trực tiếp trong giám sát. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm quản lý việc gây ô nhiễm; tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân, gắn với trách nhiệm giải trình. Tuy vậy, để người dân tham gia giám sát cũng cần có quy định cụ thể. Hiện chỉ Luật Đất đai có điều khoản cho phép người dân giám sát trực tiếp.

Các chuyên gia cũng đánh giá, hiện quy chuẩn của Việt Nam còn nhiều “lỗ hổng”. GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vấn đề môi trường tại các khu công nghiệp không phải bây giờ mới đặt ra mà ngay từ khi cấp phép. Một số dự án gang thép, hóa dầu đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng đa số ĐTM chỉ mang tính hình thức. Cùng với đó, một khu vực biển có thể có nhiều dự án cùng xảy ra, nên cần đánh giá ĐTM tổng hợp của tất cả các dự án này. Tuy vậy, quy định về ĐTM với các dự án phát triển mới chỉ xem xét tác động của riêng dự án, mà chưa cần đánh giá tác động tổng hợp của tất cả các dự án đang hoạt động và xả thải ra khu vực biển. Do vậy, cần phải quy định cụ thể hơn về việc đánh giá tác động của xả thải trong các điều kiện cực đoan nhất để bảo đảm lượng thải không vượt quá sức chịu tải của môi trường.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất, hiện tại các khu công nghiệp ven biển còn chưa lấp đầy, nên chúng ta còn cơ hội để thay đổi. Đó là sự sàng lọc đầu tư, quy định điều kiện để địa phương, hoặc cơ quan quản lý phê duyệt đầu tư và cùng với đó phải có chế tài giám sát, quy trình giám sát. "Cần xây dựng thói quen từ chối nếu đó là dự án “đen” của doanh nghiệp có nhiều vi phạm, hoặc bản thân dự án có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh...

Đã đến lúc phải rà soát lại hệ thống quy định, quy chuẩn về xả thải của Việt Nam. Trước hết, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn môi trường của nước thải theo hướng chặt chẽ hơn, đồng thời bổ sung thêm các quy định về đánh giá tác động môi trường tổng hợp, tức là đánh giá tác động môi trường của dự án được xem xét trên nền tác động của các dự án đang tồn tại. Đồng thời, cần tính toán một cách nghiêm ngặt sức chịu tải môi trường của khu vực trong những điều kiện cực đoan để bảo đảm nước thải không tác động đáng kể tới môi trường và các sinh vật biển trong bất cứ điều kiện nào. Một yếu tố quan trọng là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các doanh nghiệp để họ tự nguyện tham gia tích cực vào việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ môi trường công nghiệp ven biển: Nhu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.