(HNM) - Dưới sự chủ trì của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện 3 nước Áo, Italia và Đức vừa có cuộc gặp tại thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm tìm giải pháp xoa dịu những mâu thuẫn về vấn đề biên giới, đặc biệt là giữa Áo và Italia, xuất phát từ việc chính quyền Vienna áp đặt các biện pháp hạn chế giao thông gây tranh cãi trong khu vực dọc tuyến đường then chốt Brenner.
Quan hệ giữa Áo và nước láng giềng Italia xuất hiện những mâu thuẫn và căng thẳng kể từ năm 2016, sau khi Vienna tuyên bố lắp đặt các trạm kiểm soát dọc biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ về nước này. Lo ngại ngày càng gia tăng xuất phát từ việc người tị nạn tràn vào Áo từ phía Italia tăng vọt sau khi tuyến đường Balkan bị đóng cửa và Thỏa thuận về người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực. Đáng chú ý, Áo cũng từng thực hiện các biện pháp kiểm soát tại một số vùng biên giới trong nhiều năm, như biên giới Áo - Hungary hay biên giới Áo - Slovenia.
Đến năm 2018, việc hạn chế đi lại được nâng lên một mức mới khi Chính phủ Áo tăng cường kiểm soát đối với các xe hạng nặng lưu thông trên tuyến đường cao tốc nối từ Italia sang Đức, chạy xuyên qua bang Tyrol thuộc miền Tây nước Áo. Trong những ngày có lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, chính quyền bang Tyrol có thể hạn chế số lượng phương tiện lưu thông ở mức 250-300 xe/giờ với lý do an ninh, giảm tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường. Trong năm 2018, Áo đã áp dụng biện pháp này 26 lần và dự kiến tăng lên 32 lần trong năm 2019.
Song, động thái trên vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ hai nước láng giềng Đức và Italia, đồng thời tạo ra một thách thức lớn đối với chính sách biên giới mở do EU đề ra. Sự hạn chế giao thông của Áo đối với tuyến đường xuyên qua dãy Alps đã dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài ở phía biên giới Italia và Đức, cản trở sự di chuyển tự do của hàng hóa và đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể đối với các công ty vận tải của hai quốc gia này. Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer cho biết, Chính phủ Đức và Italia đang cùng nhau chuẩn bị cho một vụ kiện chống lại Áo tại Tòa án Công lý EU vì đã cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa tự do.
Do đó, cuộc gặp được EC thúc đẩy tại Brussels nhằm tạo điều kiện để các bên có sự trao đổi, thảo luận thẳng thắn, tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề đi lại của người dân cũng như giải quyết những thách thức đối với khu vực dọc tuyến Brenner hiện nay. Tham dự cuộc gặp, ngoài đại diện Italia, Áo và Đức còn có đại diện chính quyền những địa phương của các nước trong khu vực xảy ra căng thẳng. Tuy nhiên, người triệu tập cuộc họp là Ủy viên Phụ trách vấn đề giao thông của EU Violeta Bulc lại không có mặt.
Trong bức thư gửi tới chính phủ các nước Đức và Italia liên quan đến các biện pháp kiểm soát tại khu vực Brenner, bà V.Bulc cho biết EC đã gửi thông báo tới chính quyền Áo bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc áp dụng các biện pháp hạn chế giao thông hiện nay. EC cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp thay thế hành động đơn phương mà các bên đang áp dụng. Các nhóm thảo luận tập trung vào hợp tác thuế quan đường bộ, tính toán phương án sử dụng đường sắt thay thế và xây dựng các trạm nhiên liệu. Một giải pháp đáng chú ý là việc hoàn thiện tuyến đường sắt dài 64km chạy xuyên dãy Alps vào năm 2025, trở thành hầm đường sắt dài nhất thế giới.
Sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và tiền vốn là những nguyên tắc mang tính nền tảng cho sự thống nhất của EU, đồng thời cũng được coi là thế mạnh của liên minh này. Do đó, vấn đề kiểm soát biên giới giữa Áo với Italia cũng như với các quốc gia khác là một thách thức đối với đoàn kết nội khối; được EU xác định là một ưu tiên cần sớm giải quyết nhằm hướng tới mục tiêu củng cố hợp tác, liên kết để cùng phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.