Hơn 17 triệu sản phẩm Việt được xuất khẩu trực tuyến, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số đối tác. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26%.
Thông tin được đưa ra tại diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024, với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt”, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26-11, tại Hà Nội .
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh chóng.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26%. Những con số này minh chứng cho tiềm năng to lớn và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, hạn chế về kiến thức và kỹ năng số, năng lực cạnh tranh chưa cao, thiếu thông tin thị trường, pháp lý, thuế quan, logistics… Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex); các chính sách, định hướng và giải pháp hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng thời, các chuyên gia cung cấp thông tin toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam và quốc tế, giới thiệu các mô hình, giải pháp, kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến…
Bên lề diễn đàn là triển lãm, với hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là cơ hội kết nối giao thương, hợp tác giữa đối tác logistics, nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.