Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích thích nền kinh tế

Gia Khánh| 11/10/2021 06:28

(HNM) - Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm có chính sách kích thích nền kinh tế.

Yêu cầu của Thủ tướng đặt ra trong bối cảnh nhiều địa phương, trong đó có những “đầu tàu kinh tế”, trung tâm công nghiệp của cả nước vừa trải qua thời gian dài giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 giảm 6,17%, kéo GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, trong quý IV-2021, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn, tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022 đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới"...

Theo các chuyên gia kinh tế, có ba nhóm giải pháp kích thích kinh tế cơ bản là Nhà nước hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền; Nhà nước giảm thuế, giảm chi phí sản xuất sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp; Nhà nước đứng ra mua sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Đối với nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai, Quốc hội, Chính phủ đã có các nghị quyết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giãn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, phí; hạ lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng... Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đem lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp giải phóng hàng hóa và kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ước tính, việc giảm 1% VAT sẽ làm các yếu tố như tổng cầu cuối cùng tăng 0,42%, GDP tăng 0,13%, tiêu dùng tăng 0,23%. Đối với nhóm giải pháp thứ ba, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công, qua đó thu hút các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho người lao động.

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, trong suốt thời gian qua, Chính phủ, các cấp, ngành đã linh hoạt các giải pháp kích thích kinh tế. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, các chương trình kích cầu quy mô lớn được tổ chức trên cả nước; các kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cũng được đẩy mạnh. Thị trường trong nước trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế... Tháng 9-2021, Việt Nam đã lấy lại vị thế xuất siêu và dự báo trong những tháng còn lại của năm 2021, xuất khẩu sẽ bứt tốc khi nhiều thị trường xuất khẩu lớn bước vào mùa mua sắm cuối năm.

Tuy nhiên, với ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 và với nguồn lực có hạn, kế hoạch kích thích kinh tế cần phải được xây dựng cụ thể; giải pháp kích thích kinh tế thông qua đầu tư công cần tập trung vào những ngành có hệ số lan tỏa lớn như giao thông, năng lượng, nông nghiệp…; giải pháp giảm VAT tập trung cho các sản phẩm dịch vụ, nông sản, hàng hóa tiêu dùng…; giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cần kéo dài và đủ lớn để doanh nghiệp không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn có thể tận dụng cơ hội bứt phá khi dịch bệnh qua đi. Khi sử dụng nguồn lực đúng ngành, lĩnh vực, đúng phương thức, “liều lượng” thì hiệu quả kích thích kinh tế tăng lên, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 7-10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19”, các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19…     

Hiện nay, việc kích thích nền kinh tế còn phụ thuộc vào hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời phải thực hiện tốt các nhiệm vụ là tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Tuy vậy, kích thích nền kinh tế vẫn cần được triển khai kịp thời để khôi phục đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của dịch bệnh và tạo thêm nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích thích nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.