(HNM) - Trong một động thái mới nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ngày 15-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đã thảo luận về phương thức giám sát và kiểm soát hiệu quả khu vực biên giới bất ổn giữa Nga và miền Đông Ukraine.
Động thái này diễn ra vào lúc có nhiều nguồn tin cho rằng Kiev đã nhận được nhiều vũ khí, khí tài quân sự từ các thành viên của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) - điều có thể đẩy căng thẳng bên bờ Biển Đen lên nấc thang mới, đặc biệt là khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak vừa phát đi những thông điệp được cho là cứng rắn nhằm vào xứ Bạch dương láng giềng. Đây là Bộ trưởng Quốc phòng thứ tư trong vòng một năm qua của chính quyền Kiev.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak. |
Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Valeriy Geletey đã đệ đơn từ chức và được Tổng thống P.Poroshenko chấp thuận. Người tiền nhiệm của ông S.Poltorak bị quy trách nhiệm khiến nhiều binh sĩ Ukraine rơi vào bẫy của lực lượng ly khai miền Đông hồi tháng 8 kết quả là 100 người đã thiệt mạng khi cố gắng phá vòng vây mà không được tiếp viện. Việc thay Bộ trưởng Quốc phòng được cho là "canh bạc chính trị" mới nhất của Tổng thống P.Poroshenko. "Vua" socola hy vọng, với kinh nghiệm trong vai trò Tư lệnh Vệ binh quốc gia; đồng thời là một trong những người thuộc giới quân sự được kính trọng nhất của Ukraine, tướng ba sao S.Poltorak có thể truyền niềm tin cho quân đội vốn đang sa sút tinh thần sau khi mất khoảng 1.000 người trong chiến dịch tiễu phạt miền Đông. Bên cạnh đó, ông S.Poltorak cũng được tin tưởng vào trọng trách soạn thảo, sửa đổi học thuyết quân sự mới cho Ukraine. Trong đó gồm các chương trình quốc gia về việc mở rộng các lực lượng vũ trang cũng như việc phát triển vũ khí, trang thiết bị quân sự...
Phản ứng trước việc thay tướng bất ngờ của Ukraine, nhiều chuyên gia quân sự Châu Âu cho rằng, với việc bổ nhiệm ông P. Poltorak - người kiên định chủ trương sử dụng các biện pháp cứng rắn để giải quyết khủng hoảng tại vùng Donbass - Kiev hàm ý sẵn sàng các cuộc chiến tranh ở miền Đông Ukraine. Bằng chứng là ngay sau khi được bổ nhiệm, tướng P.Poltorak đã tuyên bố trước các nhà lập pháp rằng sẽ chống Nga bằng vũ khí của NATO. Trước đó, Nga cho rằng Ukraine đã nhận được một lượng không nhỏ vũ khí, khí tài quân sự từ bên ngoài trong cuộc chiến chống ly khai tại miền Đông nước này. Trong số danh sách vũ khí Mátxcơva liệt kê có máy bay cường kích Su-25, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, kính nhìn đêm; mũ, áo giáp chống đạn... Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomas Semonyak khẳng định, Warsawa có thể bán cho Ukraine xe tăng tàng hình PL-01 do nước này sản xuất. Thực tế chiến trường thời gian qua cho thấy sức mạnh quân đội Ukraine đã được tăng cường đáng kể. Mátxcơva cho rằng, nếu không nhờ nguồn bổ sung này, có lẽ cuộc chiến chống ly khai tại miền Đông đã sớm hạ màn.
Trong khi đó, cuộc đối đầu Nga - phương Tây, đặc biệt là với Mỹ về vấn đề Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 16-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama coi "hành động gây hấn của Nga ở Châu Âu" là một trong ba mối đe dọa chính của nhân loại là một hành động thù địch; đồng thời nhấn mạnh việc kéo dài thêm các biện pháp trừng phạt chống Nga tùy thuộc vào Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) và Mátxcơva sẽ đánh giá để có các biện pháp đáp trả phù hợp với lợi ích quốc gia. Những diễn biến mới nhất này cho thấy, điện Kremlin muốn chứng minh cho phương Tây thấy rõ rằng việc sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương để gây áp lực với họ sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn gây khó khăn cho các cuộc đối thoại, trong đó có đối thoại về vấn đề Ukraine.
Hiện tại, dư luận đang hướng sự chú ý vào Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) đang diễn ra tại thành phố Milano (Italia). Dự kiến, đại diện Nga và Ukraine sẽ có cuộc gặp bên lề các sự kiện chính. Nhiều người hy vọng, Mátxcơva sẽ tìm ra giải pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt một năm qua tại đất nước Đông Âu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.