(HNM) - Thêm một lần nữa, chủ đề người nhập cư bất hợp pháp lại làm nóng Châu Âu. Tuần qua, Cựu lục địa tiếp tục phải chứng kiến những cái chết thương tâm của hàng trăm người từ Trung Đông, Châu Phi và các nước nghèo ở khu vực Balkan trong nỗ lực đi tìm
Trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã phải tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan tại Vienna (Áo) để tìm giải pháp đối phó với thực trạng đau đầu này.
Bất chấp nguy hiểm, dân nghèo ở vùng Tây Balkan vẫn cố vượt qua biên giới đầy kẽm gai để tới "miền đất hứa". |
Theo thông báo mới nhất từ EU, bên cạnh hướng đi "truyền thống" là vượt qua biển Địa Trung Hải để vào Italia, Tây Ban Nha, gần đây các nước vùng Tây Balkan đã xuất hiện những tuyến đường mới cho làn sóng di cư bất hợp pháp. Hàng trăm nghìn người tị nạn từ các nước Macedonia, Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Serbia và vùng Kosovo đã đổ xô tới EU để tìm kiếm một công việc tốt hơn cho cuộc sống gia đình. Cục Nhập cư Liên bang Đức cho biết, trong nửa đầu năm 2015, 45% người đệ đơn xin tị nạn tại Đức là từ các nước nói trên. Ngoài ra, một vấn đề rất lớn của các nước Tây Balkan hiện nay là khu vực này đang nổi lên thành một trung tâm trung chuyển người tị nạn. Hàng vạn người từ Trung Đông, Châu Phi tìm mọi con đường đến Hy Lạp, Macedonia, Serbia để đi tiếp tới các nước Tây Âu thông qua "cửa ngõ" Hungary. Đa số những người di cư xuất phát từ Syria, Afghanistan hoặc Pakistan. Chính quyền Budapest ghi nhận, có tới 3.241 người, trong đó có 700 trẻ em, đã đến Hungary trong ngày 26-8, bất chấp nước này đã nỗ lực xây dựng rào chắn cao 4m, dài 175km dọc biên giới với Serbia; đồng thời, thắt chặt các quy định về nhập cư từ ngày 1-8. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi cảnh sát Hungary phải sử dụng hơi cay để ngăn cản người di cư cố trốn khỏi một trung tâm tiếp nhận người tị nạn gần biên giới với Serbia. Theo Cơ quan biên giới EU, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 102.000 người di cư tràn qua Macedonia, Serbia, Bosnia - Herzegovina, Albania, Montenegro, Kosovo, Hungary, cao hơn nhiều so với số 8.000 người cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, Châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vì các nước không thể thống nhất được một kế hoạch chung. Điều này đã khiến chính phủ các nước thành viên EU đưa ra những cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề mà họ đang phải đối mặt: Hungary xây dựng hàng rào để ngăn người di cư; Séc kêu gọi đóng cửa khu vực tự do đi lại Schengen; Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cảnh báo, nước này có thể xem xét đưa ra các biện pháp thắt chặt dòng người di cư gồm kiểm soát chặt hơn biên giới... Rõ ràng, nếu không sớm tìm ra giải pháp, sẽ có thêm nhiều nước Châu Âu buộc phải giải quyết cuộc khủng hoảng với các biện pháp và "sáng kiến" riêng. Điều này nếu xảy ra sẽ không chỉ đe dọa các giá trị đồng nhất mang tính truyền thống của EU - nhất là giá trị nhân đạo - mà còn làm xói mòn ý nghĩa của một hiệp định biên giới mở đã và vẫn đang được cả thế giới ngưỡng mộ như Schengen.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tây Balkan, nước chủ nhà Áo đã đề xuất kế hoạch hành động 5 điểm gồm: Triệt phá các băng nhóm buôn người; phân bổ công bằng hơn hạn ngạch người tị nạn trong khu vực EU; hợp tác an ninh rộng rãi hơn; hỗ trợ những nước là điểm xuất phát của dòng người di cư và một "chiến lược tị nạn liên Châu Âu". Bên cạnh đó, EU dự kiến sẽ đầu tư 122,7 triệu euro để phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, đường sắt, lưới điện và nâng cao chất lượng sống cho các nước Albania, Bosnia, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia.
Tuy nhiên, những giải pháp nói trên chưa thể mang lại kết quả trong thời gian ngắn. Trong khi đó, người nhập cư trái phép đang là một thách thức to lớn ở ngay phía trước Cựu lục địa. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng và quả "bom nợ" Hy Lạp vẫn chưa hoàn toàn được tháo ngòi nổ, cuộc khủng hoảng người di cư không sớm chấm dứt có thể sẽ gây bất ổn kinh tế, xã hội trên toàn Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.