Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng người nhập cư trái phép tại EU: Tìm lời giải cho bài toán khó

Quỳnh Dương| 05/03/2023 06:50

(HNM) - Sau 3 năm tạm lắng vì đại dịch Covid-19, vấn đề người di cư bất hợp pháp lại tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” trên bàn nghị sự của Liên minh châu Âu (EU), nhất là sau thảm họa chìm thuyền ngoài khơi ở Italia khiến 67 người di cư thiệt mạng vào cuối tháng 2 vừa qua. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo EU, đề nghị hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn những bi kịch tiếp theo trên biển, giải bài toán khó lâu nay của EU.

Thư của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhấn mạnh, việc thực thi các biện pháp cụ thể, mạnh mẽ và sáng tạo để ngăn cản những chuyến đi bất hợp pháp là cơ bản và khẩn cấp. EU cần có các khoản hỗ trợ đặc biệt khẩn cấp cho những quốc gia mà người di cư xuất phát và quá cảnh để họ hợp tác tích cực.

Trong một tài liệu được công bố hồi tháng 2 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU cũng cho rằng, tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là một thách thức đối với châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng trên toàn châu lục. Các nước: Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia cùng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan quyền lực cao nhất của EU, kiểm soát chặt chẽ hơn các đường biên giới chung của khối để ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn khác.

Tình trạng di cư tạm lắng từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và dần gia tăng trở lại thời gian gần đây khiến chủ đề này liên tục được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo. Theo thống kê, trong năm 2022, có ít nhất 330.000 người nhập cư bất hợp pháp đã vào 27 quốc gia của EU, cao hơn 64% so với năm 2021. Số người xin tị nạn ở các nước châu Âu cũng lên tới 924.000 trường hợp, tăng 46% so với năm trước. Từ đầu năm 2023 đến nay, ước tính, hơn 220 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên đường nhập cư vào EU.

Mặc dù EU đã dành hơn 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối trong giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo kêu gọi EU tiếp tục tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn. Tuy nhiên EC giữ quan điểm cho rằng, xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là giải pháp phù hợp.

Tại hội nghị mới đây, một số biện pháp đã được thống nhất nhằm giảm bớt áp lực của người di cư bất hợp pháp từ biên giới EU và các nước thành viên. Theo đó, EU sẽ huy động ngay lập tức các quỹ để tăng khả năng bảo vệ biên giới, củng cố hạ tầng, phương tiện giám sát, bao gồm cả thiết bị giám sát trên không. Bên cạnh đó, EU sẽ tăng cường trục xuất người di cư bất hợp pháp về quốc gia xuất xứ cùng với cuộc chiến chống lại các băng nhóm buôn người. Các quốc gia không hợp tác với EU trong lĩnh vực này có thể phải nhận biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác. Nếu như Italia là đích đến đầu tiên cho những người di cư từ Trung Đông, châu Phi qua Địa Trung Hải thì Ba Lan là tuyến đầu tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine chạy khỏi xung đột. Cho đến nay, Ba Lan đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraine... Từ đầu năm tới nay, Italia đã ghi nhận 12.667 người di cư trái phép bằng đường biển, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022...

Theo giới chuyên gia về xã hội, còn rất nhiều việc phải làm khi dòng chảy người di cư không ngừng hướng về châu Âu. Cụ thể, EU cần thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng để triển khai đồng loạt các biện pháp, từ kiểm soát biên giới đến chống buôn bán người, xây dựng các hành lang nhân đạo, hỗ trợ đầu tư, giáo dục, đào tạo, kinh doanh và việc làm tại các nước nghèo, nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng di cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng người nhập cư trái phép tại EU: Tìm lời giải cho bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.