(HNM) - Trải dọc dải đất miền Trung, đâu đâu cũng là địa danh lịch sử, gắn với công cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự toàn vẹn của đất nước. Tên các liệt sĩ khắc vào đá núi, đi vào lòng người, vào những trang sử hào hùng của dân tộc, hóa thành khúc tráng ca bất tử.
Sự hy sinh lớn lao
Trong chúng ta, nhiều người từng đến các địa danh lịch sử trên dải đất miền Trung không chỉ một lần vào những ngày tháng 7. Mỗi lần đến là một lần lật mở trang sử được viết bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng tình yêu Tổ quốc của thế hệ đi trước. Chúng tôi cũng vậy!
Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). |
Giới thiệu với chúng tôi về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bằng giọng xứ Nghệ sâu lắng, chị Vương Thị Thương, cán bộ thuyết minh kể, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đồng Lộc được ví như “tọa độ lửa”, “tọa độ chết”. 50 năm trước (năm 1968), vào những ngày tháng này, Đồng Lộc rền vang bom đạn, mịt mù khói lửa, máu và nước mắt. Những trận bom liên tiếp dội xuống Đồng Lộc ngày 24-7-1968 làm hầm tránh bom bị sập khiến 10 nữ thanh niên xung phong có tuổi đời từ 17 đến 24 thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55P18 hy sinh. Ngày nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nằm giữa không gian rợp bóng cây xanh với nhiều công trình mang ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” của lực lượng thanh niên xung phong như tượng đài chiến thắng, cột cờ biểu tượng, nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong… Đặc biệt, đền thờ Ngã ba Đồng Lộc nằm cạnh tháp chuông vừa mới khánh thành là địa chỉ văn hóa tâm linh hấp dẫn, là công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Giữa những đoàn người nối tiếp thắp hương trước khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, chúng tôi ấn tượng đặc biệt với cháu Lê Thùy Chi, 11 tuổi, đến từ phố Lê Lợi, phường Nam Bình, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Những câu chuyện cảm động về địa danh này được cháu khái quát lại bằng lời kể đậm chất thơ: “Các bạn ơi, tôi kể bạn nghe. Chuyện về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Hy sinh khi còn rất trẻ. Vì màu xanh đất nước. Vì tiếng cười của những em thơ. Mong các cô yên nghỉ. Chúng cháu sẽ tiếp bước dựng xây đất nước”. Chứng kiến cảnh tượng đó, Vương Thị Thương cho chúng tôi biết, chị là con gái út của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, “vua phá bom” Vương Đình Nhỏ. Chị chọn nghề hướng dẫn viên tại “tọa độ lửa” năm xưa xuất phát từ mong muốn được giới thiệu chiến công huy hoàng của các Anh hùng liệt sĩ với những người sinh ra trong hòa bình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết, lượng khách đến tham quan di tích ngày một nhiều hơn. Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, mỗi ngày, Khu di tích đón hàng nghìn lượt khách trong nước, quốc tế. Khi được nghe giới thiệu về sự hy sinh, chiến công oanh liệt của các Anh hùng liệt sĩ ở đây, ai cũng rưng rưng xúc động. Với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư tương đối hoàn thiện, Ngã ba Đồng Lộc sẽ mãi là địa chỉ du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh hấp dẫn.
Từ Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi đi qua những tuyến đường xuyên rừng Trường Sơn hùng vĩ đến hang Tám Cô, nằm trên đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Tương tự Ngã ba Đồng Lộc, xung quanh hang Tám Cô huyền thoại, sự sống nảy nở, sinh sôi mạnh mẽ. Rừng xanh nối tiếp rừng xanh, những người trẻ đang nối tiếp cha anh, ngày đêm dựng xây, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Khách đến thắp hương tưởng niệm, tri ân tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng và hang Tám Cô ngày càng đông, thông tin về sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng ngày càng được nhiều người biết đến.
Những câu chuyện cảm động
Tiếp tục hành trình tri ân, chúng tôi đến nhiều địa danh trên đất Quảng Trị anh hùng. Ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn kể, hơn 20 năm làm việc tại nghĩa trang, ông không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần các thành viên Ban quản lý nghẹn lòng trước tình cảm của nhân dân đối với các liệt sĩ. Người đi tìm mộ nhiều lần không thấy khản tiếng gọi tên, người vì hoàn cảnh, một vài năm mới có thể thăm viếng người thân một lần...
“Tôi không quên hình ảnh một người phụ nữ quê ở Thanh Hóa tìm đến mộ liệt sĩ là bác sĩ quân y. Họ từng yêu nhau, trao lời hẹn ước. Người yêu hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, cả cuộc đời người phụ nữ đó sống với kỷ niệm. Trước lúc già yếu, bà “đi tìm” người yêu để ôn lại những kỷ niệm năm nào”, ông Hồ Tất Ái kể.
Cách Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn không xa, khi viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị vào những ngày tháng 7, chúng tôi được chứng kiến nhiều chuyện cảm động khác. Nhiều đoàn khách thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân bằng cách ủng hộ kinh phí để sửa chữa, hoàn thiện không gian cảnh quan. Nhiều đồng đội vẫn lặng lẽ đi tìm đồng đội. Đầu tháng 7, Nghĩa trang quốc gia Đường 9 đón thêm ba liệt sĩ về đây an nghỉ. Trung bình mỗi năm, nơi đây quy tập thêm vài chục phần mộ liệt sĩ do các đơn vị, cá nhân tìm thấy trên chiến trường Quảng Trị và nước bạn Lào. Đón các anh về, nhưng rất nhiều người chưa được xác định danh tính. Tại nghĩa trang này còn gần 7.000 trong tổng số gần 11.000 ngôi mộ “chưa có tên”. Xung quanh khu vực Thành cổ Quảng Trị còn hàng nghìn liệt sĩ nằm rải rác trong lòng đất mẹ, nay vẫn chưa thể phát hiện và đón các anh về.
Đối với những người quản trang trên "đất lửa" Quảng Trị, mong ước lớn nhất của họ là tất cả hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, thông tin, danh tính được xác định. “Biết tin Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ ra mắt đúng dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi mừng lắm. Hy vọng, trong tương lai gần, các anh sẽ được về với người thân”, ông Hoàng Chí, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang quốc gia Đường 9 bày tỏ.
Để có thêm thông tin về liệt sĩ, anh Lê Ngọc Dũng và các thành viên Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị ngày đêm nghiên cứu, phân tích tư liệu lịch sử, sưu tầm kỷ vật thời chiến. Những đóng góp thầm lặng mà ý nghĩa đó đã góp phần làm rõ hơn trang sử hào hùng của dân tộc.
Dải đất miền Trung hôm nay bao phủ bởi màu xanh của biển cả, của núi rừng bao la, nhưng trên mảnh đất này, nỗi đau chiến tranh chưa dứt. Hy vọng, các cơ quan chức năng và cộng đồng tiếp tục chung tay hành động để nỗi đau chiến tranh lùi xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.