Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực ngoại thành Hà Nội: Nỗ lực xóa “vùng trắng” bể bơi

Thu Hằng| 11/06/2019 07:46

(HNM) - Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã triển khai các giải pháp như lắp bể bơi thông minh, kêu gọi xã hội hóa…, song số bể bơi hiện có tại các huyện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; thậm chí có nơi còn chưa có bể bơi.

Giờ học bơi của học sinh huyện Mê Linh tại bể bơi Tú Linh, xã Thanh Lâm. Ảnh: Thanh Hiếu


Nhiều huyện thiếu và chưa có bể bơi

Thời gian qua trên cả nước đã liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đặc biệt là trẻ em. Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2018 đến nay có 53 trẻ tử vong do đuối nước, dẫn đầu về số ca tử vong so với các loại tai nạn thương tích đối với trẻ em. Trong đó chủ yếu xảy ra ở các huyện như: Ba Vì 10 trường hợp; Đan Phượng, Sóc Sơn, Chương Mỹ mỗi huyện 5 trường hợp… Để hạn chế tình trạng trên, đồng thời thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016-2020, từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác phổ cập bơi, trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em. Song, do hầu hết các huyện đều thiếu bể bơi nên hiệu quả của chương trình chưa cao.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến hết tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố có 291 bể bơi do Sở cấp phép, quản lý, trong đó, một số huyện chưa có bể bơi hoặc chỉ có 1 đến 2 bể bơi như: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa… Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn cho công tác phổ cập bơi, dạy kỹ năng chống đuối nước, kỹ năng cứu đuối cho trẻ em, đặc biệt không đáp ứng được nhu cầu bơi lội của nhân dân.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, bên cạnh số ít bể bơi do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép đang hoạt động, số lượng bể bơi kiên cố đủ điều kiện hoạt động do Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện quản lý cũng không nhiều. Tại huyện Mê Linh có 8/18 xã, thị trấn nằm ven sông Hồng, nguy cơ trẻ em tai nạn khi tắm sông cao, nhưng toàn huyện chỉ có 8 bể bơi kiên cố. Tương tự, Mỹ Đức chỉ có 2 bể; Ứng Hòa có 3 bể, Phú Xuyên 4 bể, Đan Phượng 5 bể, Quốc Oai 7 bể… Đáng nói, hầu hết các bể bơi tại các huyện đều do tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý, giá vé cao nên không phải người dân nào cũng có điều kiện đến bơi.

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh Lê Xuân Hùng, do thiếu bể bơi kiên cố, ý thức của người dân trong việc phòng, chống đuối nước chưa cao, nhiều trẻ em chưa biết bơi cũng như thiếu kỹ năng về an toàn bơi... nên vẫn còn những vụ đuối nước thương tâm. Đây cũng là khó khăn chung của các huyện ngoại thành. “Mỹ Đức chỉ có 2 bể bơi kiên cố do tư nhân đầu tư, không đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân và việc phổ cập bơi cho trẻ em. Thời gian gần đây, huyện đã hỗ trợ kinh phí lắp đặt thêm 7 bể bơi thông minh ở các cụm xã nhằm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, các bể này cũng mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu bơi lội, học bơi và kỹ năng an toàn bơi… của nhân dân” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thuyên cho biết.

Cần được quan tâm đầu tư

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu bể bơi kiên cố tại các huyện ngoại thành là việc quy hoạch và đầu tư xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. Điều đáng nói, nhiều trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện (kể cả mới xây dựng) cũng không có bể bơi như tại các huyện Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa...

Để khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, 3 năm gần đây, nhiều địa phương đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng bể bơi, nhưng do quỹ đất hạn hẹp, vốn đầu tư xây dựng cao, nhiều địa phương không làm được. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho biết: Nhiều gia đình muốn đầu tư bể bơi để kinh doanh, nhưng do doanh thu đạt thấp (chỉ kinh doanh được 3 tháng mùa hè đối với bể nước lạnh) nên không thực hiện.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực bơi lội. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến nay, toàn thành phố mới xây dựng được 31 bể bơi mi ni và lắp đặt 80 bể bơi thông minh tại các trường. Số lượng bể này chưa thể đáp ứng nhu cầu học bơi và bơi lội của học sinh tiểu học và trung học cơ sở, chưa nói đến nhu cầu bơi lội của nhân dân...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, nhằm khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, về lâu dài thành phố cần chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo lập đề án xây dựng bể bơi đơn giản tại các trường tiểu học và trung học cơ sở; từng bước đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất bắt buộc theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng cần dành quỹ đất để xây dựng các bể bơi đơn giản đặt tại xã, phường; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc lắp đặt các bể bơi di động tại những nơi nhân dân có nhu cầu cao, trong đó ưu tiên các địa phương gần vùng sông nước... Với nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng rằng tình trạng trắng bể bơi sẽ từng bước được hóa giải trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực ngoại thành Hà Nội: Nỗ lực xóa “vùng trắng” bể bơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.