Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố Hồ Chí Minh: Giảm tầng nấc, tăng hiệu quả

Nguyễn Lê| 01/06/2020 07:12

(HNM) - Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố đề án không tổ chức HĐND quận, phường. Việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ giảm tầng nấc, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Đây cũng là tiền đề để xây dựng chính quyền đô thị trong tương lai.

Không tổ chức HĐND quận, phường sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

Tạo sự gần gũi giữa chính quyền và nhân dân

Giai đoạn 2009-2016, thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Khi thực hiện thí điểm, HĐND thành phố, các ban và các tổ đại biểu của HĐND thành phố đã tăng cường số cuộc giám sát đối với hoạt động của UBND quận, huyện, phường. Trong giai đoạn này, HĐND thành phố có chương trình truyền hình “Nói và Làm”, nay là chương trình “Lắng nghe và trao đổi”. Thông qua chương trình, nhiều vấn đề dân sinh cấp bách đã được HĐND thành phố tiếp thu trực tiếp và đề nghị chính quyền các cấp giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Ông Trần Văn Công (cử tri phường 9, quận 3) cho biết, thông qua nhiều kênh khác nhau, cử tri dễ dàng tiếp xúc với đại biểu HĐND thành phố hay đại biểu Quốc hội để bày tỏ nguyện vọng. “Vì vậy, việc không tổ chức HĐND quận, phường không ảnh hưởng đến quyền làm chủ của nhân dân”, cử tri Trần Văn Công bày tỏ.

Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn chú trọng hơn công tác tiếp công dân. Hằng tháng, quận, huyện định kỳ tổ chức các hội nghị giao ban dư luận xã hội, tăng cường các cuộc tiếp công dân và đối thoại giữa chính quyền với nhân dân; phường, xã cử cán bộ, công chức tham gia các cuộc họp của tổ dân phố để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân. Những hoạt động này đã tạo được sự gần gũi, khăng khít hơn giữa chính quyền với nhân dân khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh (Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường sẽ tăng vai trò giám sát của các đại biểu HĐND cấp thành phố, khiến đại biểu HĐND thành phố gần dân, sát dân hơn. Qua đó, giải quyết nhanh các vấn đề cử tri gửi gắm.

Còn theo nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2009-2016 được xem là thành công, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, tăng vai trò giám sát của HĐND cấp thành phố...

Nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính

Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường. Theo Sở Nội vụ, thành phố đã có kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường (giai đoạn 2009-2016) trên diện rộng, với số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất (gồm 24 quận, huyện và 259 phường).

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, không lo không có người đại diện cho nhân dân, vấn đề là ai đại diện. Nếu không tổ chức HĐND cấp quận, phường thì HĐND thành phố sẽ là cơ quan đại diện cho nhân dân thành phố. “Song song với việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo để đạt mục tiêu giảm biên chế hiệu quả, giảm ngân sách nhà nước và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết, từ kết quả thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016, thành phố khẳng định việc thực hiện theo mô hình này có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Qua đó giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; phát huy dân chủ trực tiếp tại cơ sở. Đặc biệt, vai trò của người đứng đầu bộ máy UBND quận, huyện, phường được phát huy hiệu quả.

“Chính vì vậy, thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương cho phép không tổ chức HĐND quận, phường trong thời gian tới. Điều này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của số đông cán bộ, công chức và nhân dân thành phố; phù hợp với xu thế cải cách hành chính, nhất là yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm các tầng nấc; đồng thời là cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị trong tương lai”, ông Trương Văn Lắm thông tin.        

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố Hồ Chí Minh: Giảm tầng nấc, tăng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.