Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể ngồi một chỗ để chờ…

Hoàng Thu Vân - Việt Tuấn thực hiện| 17/02/2013 07:48

(HNM) - Là đơn vị cung cấp thông tin, cầu nối cung - cầu lao động cho đối tượng trong tổ chức Đoàn, nhưng xét về hiệu quả hoạt động, Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) thanh niên Hà Nội được xếp trong tốp đầu hệ thống các trung tâm GTVL của cả nước


Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn không ít

- Bà có thể cho biết những nét khái quát về Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội?

- Thành lập tháng 8-1989, năm nay chúng tôi đã bước sang tuổi 24. Ở phía Bắc, chúng tôi là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động.

- Với chặng đường gần 1/4 thế kỷ, cái được lớn nhất của Trung tâm là gì?


- Đó là chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu của mình. Không cần nói dài dòng về Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội, chỉ cần nhắc tới 88 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) là người lao động và các đơn vị, DN có thể yên tâm về một địa chỉ thông tin tin cậy. Hiện nay, chúng tôi được đánh giá nằm trong tốp 10 trung tâm GTVL hàng đầu của cả nước.

- Chúng tôi nghĩ, GTVL tức là đứng ra… môi giới để người lao động và các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động gặp nhau. Công việc cũng đơn giản và thời nào cũng thế, đây là một nghề… hot?

- Với 5 chức năng, nhiệm vụ chính, nhiều năm qua, đặc biệt là trước năm 2000, hoạt động của Trung tâm khá thuận buồm xuôi gió, còn những năm gần đây, có rất nhiều khó khăn. Về mảng tuyển dụng lao động xuất khẩu, trung tâm không làm nữa vì có những quy định mới. Thứ hai, mảng dạy nghề cũng đang bị thu hẹp. Trên thị trường, nhu cầu nghề ngắn hạn của người lao động đã giảm đáng kể. Và sau năm 2007, theo Thông tư 42 của Bộ GD-ĐT, Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội không được ký liên kết với các trường đại học, cao đẳng. Thứ ba, về tổ chức sản xuất, dịch vụ, do mặt bằng hẹp và nhiều điều kiện khác, đặc biệt là vốn đầu tư nên chúng tôi không phát huy được lĩnh vực này. Thứ tư, về cung ứng thông tin thị trường lao động, Trung tâm là đơn vị trực thuộc Thành đoàn Hà Nội nên hoạt động của chúng tôi mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin, làm đơn vị thường trực về GTVL, giúp cho Ban Thường vụ Thành đoàn có thông tin và định hướng tuyên truyền cho hoạt động tổ chức đoàn. Còn về mặt đầu tư theo hướng dẫn của ngành LĐ-TB&XH thì Trung tâm cũng còn nhiều khó khăn cả về lực lượng cán bộ cũng như trang thiết bị.

- Còn một vấn đề nữa bà chưa nhắc tới, đó là sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường?

- Vâng! Ở Hà Nội hiện nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm đơn vị, DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, GTVL. Để tồn tại là không đơn giản. Bên cạnh đó, đây là loại hình mới nên cơ chế hoạt động chưa đồng bộ và thống nhất.

- Tựu chung là rất nhiều khó khăn. Vậy thuận lợi lớn nhất là gì?

- Hà Nội là địa bàn tập trung các DN, đơn vị sản xuất nên nhu cầu về lao động là rất lớn, đa dạng ngành nghề, đa dạng đối tượng tuyển dụng. Đấy là đất để dụng võ. Mặt khác, người lao động phần lớn trong độ tuổi thanh niên, do đó hoạt động của chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Hà Nội. Chúng tôi hoạt động có hiệu quả cũng chính là tổ chức đoàn thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với thanh niên trong vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, định hướng, tư vấn, hướng nghiệp…

Đâu cần…Trung tâm có

- Là một đơn vị thuộc tổ chức đoàn nên chắc chắn hoạt động của Trung tâm phải sôi nổi và năng động?

- Chúng tôi tự đánh giá, hoạt động của mình là không trì trệ. Cái gì có liên quan tới lao động là chúng tôi lập tức… bật lò xo. Các hoạt động lớn của Thành đoàn Hà Nội đều được Trung tâm vào cuộc kết hợp như tổ chức Festival thanh niên nông thôn; Festival việc làm cho sinh viên; nhận làm các điểm, chợ việc làm, ngày hội việc làm, mở các lớp tập huấn; tuyên truyền, ký kết kế hoạch, chương trình hỗ trợ cho lao động…

- Còn các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm tổ chức?

- Từ cuối năm 2008 chúng tôi bắt đầu thực hiện các phiên giao dịch việc làm và từ năm 2009 mỗi tháng Trung tâm tổ chức một phiên. Địa điểm có thể ở trụ sở 88 Trần Nhật Duật, cũng có thể ở các quận, huyện, thậm chí ở ngay tại phường, xã hoặc từng trường học. Hoạt động như vậy mới thực sự làm cầu nối giữa người lao động và các đơn vị, DN. Mình không thể ngồi một chỗ… chờ người lao động đến với mình mà phải đến tận nơi giúp cho người ta. “Đâu cần thanh niên có” thì ở đây là “Đâu cần - Trung tâm có”. Đó cũng trở thành thế mạnh của Trung tâm trong hoạt động chuyên môn.

- Hiệu quả như thế nào?

- Trước đây hiệu quả khá tốt nhưng hiện nay thì bình thường. Cũng giống như tại các hội chợ, siêu thị bây giờ, người ta đến tham quan, đến xem nhiều hơn là tham gia các hoạt động mua bán. Do đó chúng tôi quan tâm hơn tới các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Công tác tư vấn được Trung tâm tiến hành từ năm 2008. Đầu tiên, chúng tôi phải tới các trường “xin” việc làm, tức là trình bày với lãnh đạo các trường cho phép chúng tôi được nói chuyện với học sinh. Đến nay các trường đều thấy việc tư vấn là cần thiết cho học sinh và hoạt động này đã trở thành mũi nhọn do Thành đoàn Hà Nội triển khai. Năm nào cũng vậy, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, trước giai đoạn các cháu làm hồ sơ, thủ tục, ghi tên lựa chọn một nghề cho tương lai của mình thì chúng tôi đi làm tư vấn. Mỗi năm tổ chức được 10 cuộc, còn năm 2013 này kế hoạch của chúng tôi là tổ chức 15 cuộc, do nhu cầu nhiều hơn. Mỗi cuộc tư vấn cũng được 800 học sinh trở lên, có cuộc lên đến trên 2.000 học sinh.

- Việc tư vấn chỉ thực hiện với học sinh lớp 12?

- Vâng, trước đây là như vậy, nhưng nay chúng tôi xây dựng kế hoạch tư vấn cho học sinh ngay từ những năm cuối của THCS vì khi lên THPT các cháu sẽ thực hiện phân ban, vậy nên các cháu phải cân nhắc, tính toán xem sau này mình sẽ làm nghề gì, thi vào trường nào phù hợp với khả năng và nguyện vọng, từ đó quyết định đăng ký việc theo học ban nào…

- Chúng tôi cho rằng, đây là công việc chính của ngành giáo dục?


- Đúng là như vậy, nhưng hiện nay hầu hết các trường đều chưa có thầy, cô giáo chuyên trách làm công việc này.

- Vậy là Trung tâm đang “đá” lấn sân?

- Thì cũng vì… tương lai con em chúng ta. Thực ra việc tư vấn hướng nghiệp rất có hiệu quả, khi chúng tôi xuống các trường nói chuyện, đi cùng có cả chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, Học viện thanh thiếu niên và một số trường đại học, cao đẳng nghề. Ví dụ Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội trước đây tuyển sinh rất khó vì học sinh không hiểu trường này dạy những gì, sau khi ra trường sẽ làm gì nên với 1.000 chỉ tiêu nhưng mỗi năm ít nhất phải mất 3 kỳ tuyển sinh. Năm học 2010-2011, sau khi nhà trường tham gia cùng chúng tôi tới các trường hướng nghiệp thì đợt đầu đã tuyển sinh được hơn 800 học sinh. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cũng vậy… Trong quá trình tư vấn, Trung tâm đã phân luồng, tuyên truyền để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của bản thân.

- Một vấn đề khác là các ngày hội việc làm hiện nay được tổ chức khá nhiều, song dường như hiệu quả thu được không cao. Với Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội, vấn đề này như thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, một yếu tố quan trọng là việc phân luồng. Ngày hội việc làm cũng vậy. Sau vài đợt tham gia các ngày hội việc làm của thành phố chúng tôi nhận thấy, mỗi loại đối tượng có những nhu cầu riêng. Ví dụ với lực lượng học sinh, sinh viên, nhu cầu về việc làm của họ khác với thanh niên nông thôn, khác với đối tượng người khuyết tật hoặc đối tượng bộ đội xuất ngũ… Từ đó cách thức tổ chức cũng phải khác nhau. Năm 2012, Trung tâm đã tổ chức 4 ngày hội việc làm cho từng loại đối tượng. Đặc biệt, chúng tôi đã kết hợp với Hội khuyết tật Hà Nội tổ chức ngày hội việc làm cho lao động khuyết tật, trong đó có tuyên truyền về luật cho người khuyết tật để họ hiểu thêm về quyền lợi, nghĩa vụ của mình cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước. Rất mừng khi có gần 1.000 đối tượng tham gia ngày hội này. Hay như việc làm cho người sau cai nghiện ma túy cũng phải có những “gạch đầu dòng” đặc thù, đó là tạo cơ hội cho họ trở thành người có ích, hòa nhập ngay trong chính gia đình mình qua những nghề bình thường như sửa xe máy, nấu ăn… Năm 2013, Trung tâm còn mạnh dạn đề xuất Thành đoàn tổ chức ngày hội việc làm cho bộ đội xuất ngũ, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy họ cũng có nhu cầu riêng…

Những vấn đề cần suy nghĩ

- Theo chúng tôi, hiện nay cung và cầu lao động dường như vênh nhau. Rất nhiều đơn vị, DN thiếu lao động nhưng tuyển dụng lại rất khó, sau khi nhận lao động vào làm việc họ thường phải đào tạo lại từ đầu. Với người lao động, kiếm được công việc phù hợp với ngành nghề mình được đào tạo là không đơn giản, việc phải làm trái ngành, trái nghề vẫn phổ biến. Bà nhận xét như thế nào về thực trạng đó?

- Đây là một câu chuyện rất dài. Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm để phân tích nguyên nhân nhưng theo tôi đây là một hệ thống gồm hàng loạt vấn đề phải giải quyết đồng bộ. Ví dụ như học sinh, thấy ngành này hot, nghề kia thu nhập cao là thi vào. Khi học, họ không có sự đam mê, yêu quý ngành nghề mình lựa chọn. Đến Trung tâm để tìm kiếm việc làm, họ có bằng cấp thật nhưng nhiều khi kiến thức trống rỗng. Đó là bất cập trong đào tạo. DN khi tuyển lao động, mong muốn là nhận người làm được việc ngay, nhưng thực tế là rất khó kiếm mà DN lại không muốn mất thời gian đào tạo lại. Rồi còn chuyện chế độ đãi ngộ, người đi xin việc thì nghĩ mình có bằng này bằng nọ, lương tối thiểu phải là mức này mức kia, trong khi công việc theo yêu cầu của người ta thì lại không đáp ứng được… Rõ ràng là hàng loạt bất cập.

- Hiện nay tình trạng “nhảy” việc, “đứng núi này trông núi nọ” như là một thứ “mốt” của thanh niên. Theo bà là tốt hay xấu?

- Đúng là thị trường lao động hiện nay rất sôi động và có nhiều sự lựa chọn. Qua tiếp xúc với các đơn vị, DN, chúng tôi nhận thấy, điểm yếu của người lao động hiện nay là thiếu kỷ luật, làm việc không kiên trì, luôn mong tìm vị trí mới, muốn có lương cao nhưng lại thích việc nhàn, ít phải đầu tư tìm tòi… Do đó chúng ta rất thiếu công nhân lành nghề, không có cán bộ trình độ cao gắn bó với các vị trí công việc. Nước ta đang hướng đến một nước công nghiệp thì phải xây dựng một đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp ngay từ ghế nhà trường. Quyền lợi bao giờ cũng đi cùng những nghĩa vụ nhất định. Người lao động có thể “nhảy” tới chỗ nọ, chỗ kia, nhưng đó là những yêu cầu bắt buộc, nếu không, dù ở đâu họ cũng nằm trong số bị thải loại.

- Bà nói vậy nhưng chúng tôi được biết, ngay tại Trung tâm, hiện tượng “nhảy” việc cũng luôn xảy ra?

- Vâng! Chúng tôi là đơn vị sự nghiệp có thu, công việc làm của mọi người vất vả, thu nhập thì phụ thuộc vào hiệu quả công việc. Trong khi anh chị em làm tư vấn nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều vị trí ở các đơn vị, DN. Do đó Trung tâm luôn bị biến động về nhân sự, nhiều người chuyển đi các nơi và đã phát triển, trưởng thành.

- Phải chăng công tác cán bộ hay chế độ đãi ngộ ở Trung tâm cũng có những bất cập?

- Vâng, đúng là như vậy. Như tôi biết, 15-20 năm nay ở đây chưa tổ chức thi tuyển công chức, viên chức vào biên chế, trong khi nhiều anh em rất muốn có một công việc ổn định… Như vậy, làm sao chúng tôi giữ chân được người lao động? Hiện nay, vấn đề cán bộ của Trung tâm đã được đặt lên bàn của Sở Nội vụ Hà Nội. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới mọi chuyện sẽ khác. Cũng cần phải nói thêm, mô hình công việc của chúng tôi ở các nước là dịch vụ công hoàn toàn, tức là hoạt động từ nguồn kinh phí ngân sách, chứ không phải là đơn vị sự nghiệp có thu…

- Cảm ơn bà về những vấn đề trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể ngồi một chỗ để chờ…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.