Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể "khoán trắng"

Bài, ảnh: Minh Thúy| 03/12/2011 07:26

(HNM) - Từ những năm 1980, vấn đề niêm yết giá chính thức được đưa vào hệ thống văn bản pháp quy và những quy định về niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được khẳng định trong Pháp lệnh Giá năm 2002.

Đó là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (NTD), đồng thời góp phần bình ổn giá. Tuy nhiên, những quy định về niêm yết giá vẫn bỏ lửng phần lớn thị trường, gây nhiều bất cập…

Nhập nhèm thuận bán, vừa mua

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người không dám mua hàng ở các chợ truyền thống vào buổi sáng sớm, vì sợ bị tiểu thương bắt mua bằng được với chiêu "mở hàng" hoặc "đã trả giá rồi thì phải mua"… Câu chuyện thường tình của cuộc sống ấy bắt nguồn từ việc các gian hàng không niêm yết giá cả hàng hóa, nên người bán luôn cố "hét" giá cao để mong bắt được "gà", còn các "thượng đế" thì loay hoay mặc cả, vì không biết mức nào sát giá "sàn" để khỏi bị "hớ". Không ít ban quản lý các chợ phải can thiệp, giải quyết xung đột đó bằng cách, buộc chủ hàng phải trả lại tiền cho khách, bởi họ bị khách "tố" ép mua hàng với giá quá cao. Thực trạng này cho thấy, điểm chung đang tồn tại ở rất nhiều chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh độc lập là mỗi nơi một giá, nhìn mặt đặt giá, thậm chí là ép giá; chỉ một số ít cửa hàng bán sản phẩm có thương hiệu, hàng hóa có giá trị lớn mới ghi rõ giá tiền sản phẩm, dịch vụ. Từ chợ bán buôn đến chợ bán lẻ, hầu hết gian hàng đều không công khai giá, tùy vào sự khó hay dễ tính của người mua mà "quát giá". Ngay cả các cửa hàng ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, nơi thường xuyên có khách du lịch nước ngoài, cần thể hiện nét văn minh trong thương mại, nhưng người bán vẫn nói thách vì giá không được niêm yết.

Nhiều cửa hàng ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào không niêm yết giá bán hàng hóa.

Ở thị trường này, người dân vẫn ứng xử với nhau theo cách thuận mua, vừa bán; mặt khác, dựa vào yếu tố tâm lý của người mua muốn được giảm giá, nên chủ hộ kinh doanh thường lợi dụng cơ hội để nói thách. Với các điểm bán buôn ở chợ vải Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân... việc nói thách có phần ít hơn, bởi phần lớn người mua đều là khách quen, nhưng đối với khách mua lẻ, lớ ngớ sẽ rất dễ bị các tư thương "thịt" hay nhẹ hơn là lườm, nguýt… Bà Nguyễn Thị Phả,

kinh doanh quần áo tại chợ Vồ (Hà Đông) cho biết: Thường xuyên lấy buôn hàng tại chợ Đồng Xuân, tôi thấy hầu hết cửa hàng không công khai giá. Do đã quá quen thuộc nên tôi nắm được giá, còn với người mới lấy hàng hay người mua lẻ, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì không biết giá để so sánh…

Trách nhiệm không của riêng ai

Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 333/TTg về niêm yết giá, trong đó ghi rõ: Tất cả các cơ sở quốc doanh, các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp tập thể và cá thể đều phải niêm yết giá bán khi đưa sản phẩm ra thị trường. Người kinh doanh phải niêm yết giá theo đúng mức đã đăng ký và bán hàng, thu tiền công dịch vụ theo đúng giá niêm yết, trường hợp cần thay đổi giá, thì người kinh doanh phải đăng ký giá lại, rồi mới thay đổi giá niêm yết. Tiếp nối tinh thần đó, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Pháp lệnh Giá năm 2002 đều quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng... Thế nhưng, trên thực tế việc thực hiện các quy định về niêm yết giá, dịch vụ còn nhiều bất cập và rất lộn xộn. Ngụy biện cho việc không niêm yết giá, một chủ kinh doanh hàng túi xách ở chợ Ngã Tư Sở phân trần: Mỗi sạp hàng có đến hàng trăm sản phẩm khác nhau, trong khi đó giá lại thay đổi từng ngày, thì làm gì có thời gian để bóc giá cũ, thay giá mới? Còn ông Bạch Văn Đấu, Trưởng ban Quản lý chợ Hà Đông cho biết: Chưa bao giờ chúng tôi nhận được văn bản của cơ quan chức năng về việc yêu cầu người bán hàng phải niêm yết giá; một số lần các

đoàn kiểm tra có đề cập đến vấn đề đó, song cũng chỉ nhắc nhở. Là người thường xuyên phải mua hàng cho công ty ở chợ Hôm, chị Nguyễn Thị Quyên (Công ty Hann Group) cho biết: Những gian hàng có niêm yết giá tại chợ Hôm chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó chợ lại nổi tiếng về nói thách, chỉ những người sành sỏi mới có thể mua được đúng giá, còn phần lớn đều bị mua đắt.

Liên quan đến vi phạm về đầu cơ găm hàng và sai phạm về giá, trong 11 tháng đầu năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.401 trường hợp, với số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng. Song, việc kiểm tra và xử lý về niêm yết giá chỉ như "muối bỏ bể", bởi lực lượng kiểm tra quá mỏng, trong khi đó vi phạm lại quá nhiều. Quá trình kiểm tra, cán bộ quản lý thị trường đều nhắc nhở, vận động, tuyên truyền, nhưng ý thức người kinh doanh còn rất hạn chế và thường mang tính đối phó. Điều 16, Nghị định 84/2011 ngày 20-9-2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá quy định rõ hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn... sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng, vậy mà vẫn bị các tiểu thương cố tình làm ngơ...

Thực trạng này không phải chỉ là của riêng Hà Nội mà là vấn đề chung của cả nước và nguyên nhân chính là do sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng. Để việc niêm yết giá được thực hiện nghiêm túc, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là Ban quản lý các chợ, chứ không thể khoán trắng cho ngành quản lý thị trường như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể "khoán trắng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.