Thống kê của Bộ Công an cho thấy, năm 2023 và quý I-2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Còn theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp; 31,4 xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Một vài số liệu thống kê trên để thấy, việc xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng chức năng thời gian qua đã nâng cao ý thức của mỗi người tham gia giao thông, góp phần hạn chế tai nạn, phòng ngừa hành vi phạm tội do rượu, bia gây ra.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân, và cả cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng khi điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17-9-2024 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Văn bản số 3116/UBND-ĐT ngày 19-9-2024 về vấn đề này.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua tháng 6-2024 với quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trên tinh thần đó, Chỉ thị số 35/CT-TTg cũng như Văn bản số 3116/UBND-ĐT không chỉ nhấn mạnh đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên mà còn xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Thực hiện nhiệm vụ này, công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc “gọi điện cho người thân” tác động, để bỏ qua lỗi vi phạm. Đồng thời, xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.
Để việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg hiệu quả, trước hết mỗi cán bộ, công chức cần phát huy tinh thần nêu gương trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Đó là “không uống rượu, bia khi lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu, bia”. Còn với các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định. Việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; nghiêm cấm việc bao che vi phạm.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người tham gia giao thông hiểu và chấp hành pháp luật. Việc tuyên truyền đi đôi với xử lý nghiêm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục như chúng ta đã từng áp dụng đối với việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, để lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.