(HNM) - Từ hơn một tháng qua, cả xã hội lo lắng, với cấp độ ngày càng căng thẳng hơn trước do giá lợn hơi giảm liên tục, đến mức phải đưa ra cảnh báo.
(HNM) - Từ hơn một tháng qua, cả xã hội lo lắng, với cấp độ ngày càng căng thẳng hơn trước do giá lợn hơi giảm liên tục, đến mức phải đưa ra cảnh báo. Các hộ chăn nuôi, nông trại đều rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, do "đầu ra" cho lợn hơi vẫn đóng chặt. Cộng đồng xót xa nên đã hình thành một số điểm bán thịt lợn với tinh thần chia sẻ khó khăn cùng người dân. Các bộ, ngành, địa phương cũng kêu gọi người tiêu dùng tăng cường sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để ủng hộ bà con, trong khi các cơ quan quản lý cũng ngồi với nhau bàn biện pháp khắc phục.
Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do thương lái Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh mức thu mua lợn, thịt lợn qua đường tiểu ngạch biên giới phía Bắc. Thực trạng này cũng không khác câu chuyện nhiều lần dưa hấu miền Trung bị ế đột xuất, vất vưởng suốt dọc đường vận chuyển. Đã có rất nhiều nông hộ lao đao bởi thiệt hại cộng dồn, hàng hóa bị hỏng, phải đổ bỏ do đối tác Trung Quốc đột ngột đình chỉ thu mua... Xã hội lại thêm một lần ôn lại bài học cơ bản, nhưng chưa bao giờ cũ, vì nó gắn với lời khuyên của các chuyên gia kinh tế là không nên "bỏ trứng vào một giỏ” - nghĩa là, không nên tập trung vào một thị trường "đầu ra" duy nhất.
Vậy nên chăng, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Công Thương cần theo dõi sát sao, có đối sách và phương án hợp lý để ứng phó với vấn đề nói trên. Trong đó, đặc biệt cần quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm thịt lợn Việt Nam theo hướng tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường chính ngạch, tránh phụ thuộc một "đầu ra" duy nhất. Qua đó, người chăn nuôi nói riêng, những đơn vị sản xuất hàng hóa nói chung tránh được sự bị động, quan trọng hơn là có sự ổn định để phát triển lâu dài. Các ngành chức năng, các bộ chủ quản, cùng các địa phương phải theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường để kịp thời phát hiện khi có hiện tượng cung vượt cầu nhằm cảnh báo, giúp người sản xuất tránh tình trạng được mùa mất giá, hoặc ế hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.