Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Thanh Hải| 28/05/2017 07:15

(HNM) - Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng cần phải quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu. Ảnh: Thanh Hải


Tập trung xử lý “điểm nghẽn”

Khẳng định sự cần thiết và kiến nghị Quốc hội nhanh chóng ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội chỉ rõ, trong 5 năm qua, chúng ta đã làm quyết liệt mới giải quyết được khoảng 50% nợ xấu. Hiện còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đây là những khoản rất khó giải quyết.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đã là hoạt động tín dụng thì nợ xấu là việc không tránh khỏi. Nhưng nợ xấu bình thường phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay, còn đến mức 10,8% như hiện nay là "không bình thường". Do đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, bởi không thể để “cục máu đông” kéo dài, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, nợ xấu đang là “điểm nghẽn” cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. "Sau 5 năm triển khai Đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350 nghìn tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 250 nghìn tỷ đồng và đã xử lý được 50 nghìn tỷ đồng" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Theo đại biểu, ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ đồng và nếu cộng với số nợ còn tại VAMC là 200 nghìn tỷ đồng thì hiện nợ xấu còn khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tương đương 6%. Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới hơn 10% như Tờ trình của Chính phủ. Do đó, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và phải có cơ chế pháp lý đủ mạnh để xử lý nhằm tạo sự an toàn của hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có nguyên nhân quản lý chưa tốt, cho vay chưa tốt, khủng hoảng tài chính trong giai đoạn từ năm 2008…, cho nên nợ xấu của Việt Nam tăng, ảnh hưởng trực tiếp cũng như lâu dài đến nền kinh tế. Theo các đại biểu, tình trạng nợ xấu đã có nhiều năm, nhưng không giải quyết được, rõ ràng cơ sở pháp luật còn thiếu và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện cũng chưa tốt. Tại tổ Hà Nội, đa số đại biểu đã thống nhất cao với mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết để ban hành Nghị quyết, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng khắc phục những vướng mắc, bất cập trong giai đoạn vừa qua.

Rõ nguyên nhân mới rõ giải pháp


Hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để góp phần xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Ảnh: Lê Tuấn


Đó là điều được nhiều đại biểu nhấn mạnh khi bàn về vấn đề này. Trước hết, để xử lý được nợ xấu, Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân để xảy ra nợ xấu và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) đặt câu hỏi: Thực tế, có bao nhiêu nợ xấu do khách quan, bao nhiêu nợ xấu do chủ quan? Nợ xấu do đầu tư, do vay tín dụng, sản xuất hay nợ xấu do thiên tai, hạn hán? Phân tích nguyên nhân xảy ra nợ xấu để xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ xấu, từ đó mới xác định được giải pháp xử lý đồng bộ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, nguyên tắc này cần phải được nêu rõ trong nghị quyết, để minh bạch với cử tri và tránh bị lợi dụng. "Nên dùng nợ và tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu. Nói không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước vẫn tốn kém và cả thiệt hại nhiều trong việc xử lý vì cả bộ máy phải tham gia", ông Nghĩa nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ trong quá trình xử lý nợ xấu. Đại biểu nêu rõ: "Cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội". Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng tán thành cần phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu do không chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời với việc xử lý nợ xấu, tất cả các sai phạm cần được xử lý minh bạch.

Ngoài ra, các đại biểu: Đào Thanh Hải, Vũ Thị Lưu Mai, Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội) đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hạn giải quyết nợ xấu... Có như vậy mới bảo đảm tính hợp hiến và khả thi của Nghị quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.