(HNM) - Rau sống là món ăn thông dụng trong ẩm thực của người Việt Nam. Nhiều khuyến cáo cho rằng, ăn rau sống có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm ký sinh trùng, nhất là rau sống không bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ăn rau sống cho đúng để bảo vệ sức khỏe, tránh để rau sống trở thành nguồn bệnh.
Ngâm rau với nước muối không loại trừ được mầm bệnh
Rau quả là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, rau sống với đa dạng các loại rau gia vị (như: Xà lách, húng láng, mùi, kinh giới, hành tươi...) cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số nguyên tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thông tin thêm, ăn được rau sống sẽ tốt hơn đun chín vì ăn rau sống cơ thể sẽ được cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Còn rau nấu chín đã bị mất một lượng lớn vi chất, phần còn lại chỉ là chất xơ. Đặc biệt, các loại rau thơm còn cung cấp một lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Thế nhưng, các chuyên gia này cũng cho rằng, nếu rau sống không bảo đảm vệ sinh như: Tưới bón phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định..., thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh, khiến người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, mắc bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính. Những loại rau sống như: Rau mùi, xà lách... thường nhiễm các loại giun, sán. Đây là thực phẩm có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh gây hại. Những người hay ăn rau sống cũng có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Còn theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh, các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. Không những thế, các loại rau sống còn có nguy cơ chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như giun móc, giun đũa...
Để bảo đảm an toàn, nhiều bà nội trợ đã rửa, ngâm rau sống vào nước muối. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến lưu ý, việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không bảo đảm loại trừ sạch mầm bệnh. Thậm chí, một số thí nghiệm cho thấy, trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần. Như vậy, nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau vẩy ráo trước khi ăn.
Các cách lựa chọn rau an toàn
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau quả tươi có nhiều nước, có men, có các chất dinh dưỡng, là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển và men dễ hoạt động, do đó, rau quả tươi là thực phẩm rất dễ bị hư hỏng. Đồng thời, rau quả tươi hiện nay có nguy cơ rất cao tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, lựa chọn rau quả tươi cần chú ý hình dáng bên ngoài, đó là rau còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Ngoài ra, nên chọn loại rau có màu sắc tự nhiên, không úa, héo và không có mùi lạ.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, trước khi sử dụng, việc rửa rau quả là khâu quan trọng trong quá trình chế biến và trước khi ăn. Cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất vẫn là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch, chảy mạnh, cẩn thận bóc tách và rửa từng cọng rau, lá rau, rửa bề mặt bên này rồi đến bề mặt bên kia một cách nhẹ nhàng, không nóng vội. Các loại rau có lá nhỏ thì phải rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần. Quả tươi thì rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, phải bảo đảm nước dùng để rửa phải sạch, rửa dưới vòi nước chảy từ 3 nước trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau ta áp dụng khác nhau. Nếu là cọng rau lá to như cải xanh, xà lách…, thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước. Nếu là rau cọng nhỏ như cải xoong, rau muống... thì để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay 5, 6 nước như vậy.
Để bảo đảm vệ sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, khi mua rau về, dù là rau sạch bán ở các siêu thị vẫn phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng ký sinh trùng và hóa chất còn bám trên rau trôi đi trước khi sử dụng. Muốn tránh nhiễm ký sinh trùng, các bà nội trợ nên rửa rau sạch trước khi chế biến. Mọi người không nên ăn rau sống và các món gỏi.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, dù đã xử lý cẩn thận, rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần nhưng muốn thật an toàn vẫn nên đun nấu chín, không ăn rau sống. Để hạn chế các mầm bệnh ban đầu từ rau sống, nên chọn rau sống tại các cửa hàng rau sạch có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng để bảo đảm chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nên hạn chế ăn rau sống tại các hàng quán bởi chúng có thể được rửa không sạch và không bảo đảm vệ sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.