An toàn thực phẩm

Sử dụng rau sống không an toàn: Nhiều nguy cơ nhiễm bệnh

Thu Trang 14/07/2023 07:27

Thời tiết nắng nóng rất dễ khiến cho cơ thể mất nước, mệt mỏi, khó chịu… Chính vì vậy, vào mùa hè, nhiều người thích sử dụng rau sống, uống nước ép rau, củ... Những món ăn này dù có thể mang đến sự mát mẻ trong cơ thể nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nhiễm giun sán.

attp.jpg
Điều trị bệnh nhân nhiễm giun tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Nhiễm giun sán do ăn uống không vệ sinh

Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận một cô gái (26 tuổi, ở Quảng Bình) đến khám sau một thời gian dài thường xuyên bị ngứa ngoài da. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy, nữ bệnh nhân này bị nhiễm 7 loại giun sán phổ biến, gồm: Sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, nữ bệnh nhân này chia sẻ không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi. Tuy nhiên, bệnh nhân thường ăn rau sống. Rau sống không được vệ sinh kỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân này nhiễm trứng giun sán. Không chỉ trường hợp này mà tại bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm giun sán do thói quen sinh hoạt, ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Các bệnh nhân thường nhiễm cùng lúc nhiều loại giun sán khác nhau.

“Hầu hết nguyên nhân mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng đến từ thói quen ăn uống, số ít còn lại có thể xâm nhập qua da từ thói quen đi chân trần. Giun sán lây truyền phổ biến qua con đường ăn uống là do bệnh nhân ăn thức ăn chưa được nấu chín kỹ hoặc thực phẩm không hợp vệ sinh có chứa trứng hoặc ấu trùng sán. Trước đây, độ tuổi mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng nhiều nhất là trẻ nhỏ do thói quen cho tay vào miệng. Hiện tại, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao do thói quen ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh”, bác sĩ Lê Văn Thiệu cho hay.

Theo thống kê trong 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 40, nữ chiếm đa số với tỷ lệ 68%, đến từ 24 tỉnh, thành phố thuộc các khu vực từ Quảng Ngãi trở vào, trong đó có 44 trường hợp (chiếm 25,6%) sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh; 40 trường hợp (chiếm 23,3%) sống tại các tỉnh duyên hải miền Trung; 23 ca bệnh phức tạp phải nhập viện nội trú. Toàn bộ bệnh nhân đều có thói quen ăn rau sống. Đáng chú ý, có 2 trường hợp áp xe gan do sán lá gan lớn ở thai phụ nêu trên và 3 trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nhập viện trễ...

Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam thông tin, vào mùa hè, thời tiết nóng bức khó chịu, nhiều người thích tìm đến những món ăn có tính mát, dạng tái sống nhiều hơn, rau cũng ăn sống nhiều hơn... Đó chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc gia tăng nhiễm giun sán vào mùa hè. Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip… Những loại ký sinh trùng này cũng trú ngụ rất nhiều trong những loại rau sống, như: Rau ngổ, mùi ta, mùi tàu… Chưa kể, rau sống còn là môi trường chứa lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như: Giun móc, giun đũa, sán lá gan...

Không ăn rau sống khi chưa rõ nguồn gốc

Các nghiên cứu cũng cho thấy, từ 92% đến 100% các loại rau sống đều chứa các ký sinh trùng có hại cho sức khỏe, nếu không rửa sạch rau trước khi sử dụng thì có khả năng cao mắc các bệnh về đường ruột như nhiễm giun sán, tiêu chảy… Đây là loại rau ăn trực tiếp mà không qua chế biến hay đun sôi nên thường chứa lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng.

Ngoài ra, các loại rau sống này mặc dù sống ở trên cạn nhưng cũng bị nhiễm độc như các loại rau sống dưới nước, thậm chí còn có tàn dư của các loại thuốc trừ sâu, ấu trùng giun sán như: Giun móc, giun đũa, sán lá gan… đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người. Trứng giun đũa vào ruột non người nở thành ấu trùng, xâm nhập thành ruột, theo đường máu phát tán khắp cơ thể. Khi ấu trùng tấn công não, tim, phổi, mắt sẽ dẫn đến tình trạng co giật, phù não, nhức đầu kéo dài, liệt nửa người, liệt chi dưới, viêm não, màng não và có thể gây giảm thị lực dẫn đến mù mắt nếu không phát hiện kịp thời.

Liên quan đến thói quen ăn rau sống, theo khuyến cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau sống tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Nguyên nhân là do người trồng rau có tập quán dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Còn người bán ở các chợ đầu mối thì dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi.

Trong khi đó, người sử dụng cũng không chú ý đến việc rửa rau sạch. Các loại rau sống như: Xà lách, húng chó, mùi... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột bởi khuẩn phẩy tả có thể sống trên rau sống 3-10 ngày; khuẩn E.coli sống được một tuần và thường kéo theo các vi khuẩn đường ruột khác, ký sinh trùng như trứng giun... Vì dù rửa rau sống ngập trong nước, ngâm thuốc tím, sục ozone, ngâm nước muối hoặc xả rau dưới vòi nước chảy 15 phút... cũng không thể khống chế được 100% vi khuẩn mà chỉ hạn chế được phần nào. Nếu không thể xác định được nguồn rau có an toàn hay không, tốt nhất không nên ăn sống.

Để phòng ngừa bệnh do giun sán, ký sinh trùng, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ăn chín, uống sôi; vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; tẩy giun sán định kỳ cho chó, mèo; uống thuốc giun định kỳ 3 lần/năm, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ); thường tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng. Khi có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun sán, ký sinh trùng nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng rau sống không an toàn: Nhiều nguy cơ nhiễm bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.