(HNM) - Nhiều
Lao động Việt Nam chờ làm thủ tục đi Nhật Bản. |
Vẫn "nóng" chuyện cũ
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2007 đến nay đã thực hiện 400 cuộc thanh tra, kiểm tra, có 3.000 kiến nghị với DN nhằm chấn chỉnh hoạt động XKLĐ đúng quy định; đã có 107 DN bị xử lý với 306 sai phạm, phạt 4 tỷ đồng. Điều đáng nói các dạng vi phạm chủ yếu vẫn là về quy định đăng ký hợp đồng, tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng... Đây là vấn đề đã cũ nhưng hiện tại vẫn "nóng".
Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành thường xuyên, nhưng chưa bao phủ hết các DN và dù đã tăng mức phạt, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo Bộ LĐ-TB&XH, dù biết DN có nhiều sai phạm nhưng chưa thể phạt đúng, do nhiều quy định chưa được điều chỉnh phù hợp. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, có nhiều vấn đề chỉ được phát hiện sau khi thanh tra DN. Trong đó, tình trạng DN sau khi được cấp phép hoạt động XKLĐ đã tách nhỏ thành công ty mẹ, công ty con, chi nhánh, văn phòng, cho mượn, cho thuê giấy phép.... bị phát hiện nhiều nhất.
Về phía các công ty cũng gặp không ít phiền toái khi về cơ sở tuyển lao động bởi các loại "giấy phép con". Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty XKLĐ chuyên gia Thanh Hóa cho biết, DN đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, phê duyệt đơn hàng, tỉnh cũng cho phép, nhưng khi về huyện thì bị "nằm vùng" hằng tháng do yêu cầu "chờ duyệt theo quy trình xin giấy xuống các thôn, xã". Có nơi trong thời gian chờ đợi "giấy phép con", cán bộ công ty xuống địa bàn tìm hiểu tâm tư người lao động nhưng huyện không cho tiếp xúc, thậm chí yêu cầu công an bắt nhốt qua đêm.
Ông Minh nói vui: "Tỉnh đồng ý nhưng huyện không cho gặp, đúng kiểu trên trải thảm, dưới rải đinh". Cùng chung nỗi niềm, ông Đàm Trung Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực dịch vụ toàn cầu (Gmas) bức xúc: Khi chúng tôi mang giấy phép về thì bị khống chế 3 nội dung: Giấy phép chỉ được hoạt động trong 6 tháng; chỉ tuyển dụng trong 3 huyện và tuyển dụng đủ 100 người, không được hơn.
Khẩn trương thực hiện 4 nhóm giải pháp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại thể chế, quy định còn bất cập, loại bỏ các loại văn bản, “giấy phép con”. Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm những tồn tại về thu tiền môi giới, cò mồi, chuyển nhượng giấy phép bất hợp lý... Các chuyên gia XKLĐ cho rằng, không có quy định nào về "giấy phép con" nhưng đúng là “phép vua thua lệ làng”.
Về vấn đề “giấy phép con”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần phải xem xét lại niềm tin của địa phương với các DN XKLĐ. Thực tế đã có nhiều DN hoạt động không tốt, có tiêu cực nên dẫn đến tình trạng "cò mồi" hoành hành, làm mất niềm tin trong NLĐ, lãnh đạo địa phương. Phó Thủ tướng nói: "Nếu cần, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, Chính phủ sẽ có văn bản gửi các địa phương, phải chấn chỉnh ngay các vướng mắc trong hoạt động XKLĐ”.
Tại hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhận diện các khuyết điểm của XKLĐ, nghiêm túc rút kinh nghiệm và đưa ra 4 nhóm giải pháp để khắc phục. Trước tiên là khẩn trương hoàn thiện thể chế, đánh giá tác động của các quy định pháp luật trong 10 năm qua. Sau khi có báo cáo tổng hợp, Bộ sẽ trình Chính phủ, đề nghị Quốc hội sửa đổi, rà soát lại toàn bộ văn bản dưới luật. Đặc biệt, những văn bản chỉ đạo của Bộ cần thiết tích hợp lại thành một thông tư.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sẽ kiên quyết loại bỏ tất cả các loại văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn có tính chất như "giấy phép con". Giải pháp thứ hai, trong năm 2017 Bộ sẽ thanh tra thường xuyên, công khai, minh bạch, sai đâu sửa đấy, chấn chỉnh kịp thời các DN hoạt động vượt quá hành lang pháp lý; kiên quyết xử lý việc thu phí cao quá quy định, tuyển dụng qua môi giới, bán giấy phép... không để "vàng thau lẫn lộn". Nhóm giải pháp thứ ba là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Cuối cùng là kiên quyết chống tiêu cực, loại trừ những thủ tục phiền nhiễu. Nếu cán bộ, đơn vị, địa phương nào có biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu đề nghị các DN báo cáo Bộ trưởng trực tiếp xử lý. Cụ thể là trong quý I-2017 phải minh bạch thông tin, tiến tới cấp giấy phép theo hình thức nộp hồ sơ trực tuyến.
"XKLĐ không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo, nếu tổ chức tốt cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về sẽ là một yếu tố để thu hút đầu tư. Mỗi năm Việt Nam đưa trên 100.000 lao động đi XKLĐ và NLĐ gửi về nước từ 1,8 đến 2 tỷ USD. Vì vậy không có lý do nào để trì hoãn việc nâng cao chất lượng XKLĐ. Muốn làm tốt điều này cần thực hiện các nhóm giải pháp một cách khẩn trương và hiệu quả nhất". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.