(HNM) - Hiện nay, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ trống tăng cao, trong khi giá thuê không giảm. Theo các chuyên gia, cần hài hòa lợi ích, chia sẻ giá thuê để mặt bằng cho thuê được sử dụng hiệu quả, không bị lãng phí.
Khi đường Lê Lợi (quận 1) tháo dỡ rào chắn sau nhiều năm thi công ga ngầm tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nguồn cung mặt bằng cho thuê kinh doanh tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tăng cao. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, không ít mặt bằng cho thuê trên tuyến đường đắt đỏ bậc nhất thành phố này vẫn còn trống, nhiều đơn vị cho thuê dán bảng thông báo tìm người thuê nhưng vẫn đìu hiu.
Mặt bằng số 22-24, đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đang đóng cửa và rao cho thuê. Phóng viên Báo Hànộimới liên hệ với người tên Dũng, đại diện đơn vị cho thuê cho biết, mặt bằng trên có diện tích ngang 8m, dài 20m, xây dựng 3 tầng, diện tích sử dụng khoảng 400m², đang được rao cho thuê 18.000 USD/ tháng. Khảo sát giá những mặt bằng khác đang rao cho thuê cùng tuyến đường, phóng viên được biết giá chào thuê không chênh lệch nhau nhiều. Những tuyến đường khác như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), giá chào thuê có thấp hơn đường Lê Lợi, nhưng theo các đơn vị phân tích thị trường, giá thuê mặt bằng trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang “neo” ở mức khá cao.
Theo Công ty Dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, mặt bằng bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trong quý I-2023 duy trì tổng nguồn cung khoảng hơn 1 triệu mét vuông sàn đang hoạt động. Giá được các đơn vị chào thuê trung bình ở mức khoảng 50 USD/m²/tháng, tăng 2,4% so với quý trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I-2023, tỷ lệ lấp đầy có tăng nhẹ so với quý IV-2022 nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về những nguyên nhân khiến mặt bằng cho thuê ảm đạm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý nhà toàn cầu (Global Home) Nguyễn Duy Thành cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu và trong nước gặp khó khăn khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư e ngại trong việc mở rộng kinh doanh thời điểm này. Ngoài ra, thương mại điện tử bùng nổ cũng khiến hoạt động giao thương không còn bó hẹp ở mặt bằng “cứng” mà có thể linh động mọi lúc, mọi nơi; cơ sở hạ tầng giao thông ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh phát triển chậm hơn so với khu vực ngoại thành khiến tính cạnh tranh mặt bằng ở trung tâm giảm xuống.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân (chuyên gia kinh tế) phân tích, những năm gần đây, thị trường bất động sản phát triển quá “nóng”, giá đất tăng cao, nhất là giá đất ở trung tâm các thành phố lớn khiến mặt bằng giá bất động sản trung tâm đội lên cao và không dễ giảm xuống. Trong khi đó, những chủ bất động sản ở trung tâm đang sở hữu các mặt bằng cho thuê lo sợ việc hạ giá thuê sẽ kéo giá trị bất động sản giảm xuống, khiến tổng giá trị tài sản bất động sản giảm theo nên vẫn gắng gượng “neo” giá cho thuê cao. “Họ sẵn sàng để mặt bằng trống chứ không chịu hạ giá bởi tâm lý cho rằng, bất động sản chỉ có tăng giá chứ không giảm”, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận định.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, tư duy như vậy sẽ tác động tiêu cực đến thị trường mặt bằng cho thuê nói riêng và toàn thị trường bất động sản nói chung. Đầu tư, kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan như thiên tai, dịch bệnh khiến nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn. “Vì vậy, người đầu tư, kinh doanh phải linh hoạt điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ phù hợp với diễn biến tình hình thị trường. Như vậy, mặt bằng cho thuê mới có giá cả hợp lý, được đưa vào sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí; các bên cùng có lợi”, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho hay.
Hiện nay, ngành thương mại, dịch vụ và bán buôn, bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu sôi động trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thị trường mặt bằng cho thuê tại thành phố cũng bắt đầu được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quan tâm. Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, bên cho thuê và bên thuê mặt bằng cần chia sẻ lợi ích để hài hòa mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.