Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để đạo đức nghề báo bị “hạ gục”

Quốc Bình| 13/10/2012 08:05

(HNM) - Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, gần đây xảy ra nhiều sai phạm về đạo đức nghề báo khiến dư luận bức xúc và đây là lý do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học "Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý thông tin" vào ngày 11-10. Nhiều ý kiến tham luận đã cảnh báo về nguy cơ tiếp tục gia tăng các vụ vi phạm đạo đức nghề báo nếu cơ quan quản lý chậm có các biện pháp nghiêm khắc.

Phải coi trọng giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề cho người làm báo. Ảnh: Viết Thành


Từ đầu năm đến nay, cùng với nhiều sai phạm có tính chất, mức độ khác nhau, vụ việc một nhà báo thường trú tại tỉnh Tiền Giang của trang Điện tử VOV bịa chuyện về vụ gian dâm giữa bố chồng và nàng dâu mới đây đã khiến dư luận hết sức bất bình. Nhà báo này đã phải nhận mức kỷ luật "cảnh cáo và cấm hoạt động báo chí vô thời hạn" và vụ việc là lời cảnh báo nghiêm khắc về đạo đức nghề báo trong xã hội thông tin hiện nay.

Nhà báo Hữu Thọ phân tích: "Đã làm báo thì ai cũng quan tâm hai từ "thật" và "nhanh". Chiến đấu cho thông tin sự thật và nhanh chóng công bố thông tin là cuộc chiến đấu sinh tử trong cuộc cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt hiện nay". Theo ông, khi hoạt động nghề nghiệp nhiều lúc rất mâu thuẫn, phải lựa chọn để đến được sự thật không phải lúc nào cũng có thể nhanh. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa nhanh và đúng, thì những nhà báo nổi tiếng trên thế giới đều chọn việc thông tin đúng. Những sai phạm thời gian qua phần nhiều do người làm báo không chịu được áp lực cạnh tranh thông tin, chạy theo doanh thu, làm tất cả để đưa thông tin nhanh, nhưng chưa coi sự thật mới là quan trọng nhất.

PGS. TS Hoàng Đình Cúc -nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ ra nguyên nhân vi phạm đạo đức nghề báo gần đây: "Không phải do người làm báo yếu kém về chuyên môn, nhưng ngòi bút của họ vẫn bị bẻ cong vì họ còn thiếu một tâm thế "mình vì mọi người", thiếu một nền tảng đạo đức trong sáng và lành mạnh". Còn PGS. TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ kinh nghiệm: "Nhà báo phải luôn biết "sợ" khi cầm bút, đó là nỗi sợ về ý thức trách nhiệm, nỗi sợ để giúp nhà báo luôn trả lời chính xác cho các câu hỏi kinh điển đặt ra cho mỗi người làm báo: Viết cho ai, viết để làm gì?". Đây cũng là quan điểm của Ủy viên Hội Nhà báo Việt Nam Lê Văn Tòa, khi ông cho rằng, người làm báo muốn tránh mắc phải vi phạm đạo đức cần tự luyện rèn các phẩm chất như: Lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; lòng tự trọng; tính thận trọng; sự khiêm tốn; tâm thế bình tĩnh và bản lĩnh.

Theo một số lãnh đạo cơ quan báo chí, ngoài sự tự ý thức về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, các cơ quan quản lý, lãnh đạo các tờ báo phải coi giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề báo là nhiệm vụ cấp thiết, phải làm thường xuyên, liên tục. Ý kiến khác cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sai phạm về đạo đức nghề nghiệp gia tăng là quy trình làm báo, nhất là báo điện tử còn quá coi trọng tốc độ nên thiếu chặt chẽ, cơ chế kiểm soát thông tin hời hợt.

Nhiều ý kiến tham luận cho rằng, tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp gia tăng gần đây cần được xem xét ở góc độ quản lý báo chí. Trước hết là còn thiếu nhiều quy định về pháp luật, dễ thấy nhất là về bản quyền tác phẩm báo chí. Thứ hai là cần đổi mới công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý báo chí, cơ quan phụ trách tư tưởng chính trị đáp ứng xu hướng cạnh tranh thông tin ngày càng cao hiện nay. Việc định hướng cần kịp thời và sâu sát hơn để tránh hiện tượng ngay cả lãnh đạo cơ quan báo chí có lúc cũng còn lúng túng về chủ trương, quan điểm, chưa nói đến phóng viên, biên tập viên.

Với 789 cơ quan báo in, 61 báo - tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội và hơn 1.000 trang tin tổng hợp, làng báo chí Việt Nam đang phát triển rất phong phú, đa dạng với tính cạnh tranh ngày càng tăng. Vấn đề vi phạm đạo đức nghề báo vì thế đặt ra ngày càng cấp bách và thường xuyên hơn, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan quản lý, các tòa soạn báo và của mỗi người làm báo.

* Nhà báo Hà Đăng: Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, suy cho cùng đều cốt ở bốn chữ “trung thành” và “trung thực”. Trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trung thực với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp, với nghề báo, với cuộc sống xã hội của đất nước và dân tộc.

* Nhà báo Hà Mạnh Tường, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân: Phổ biến và thực hiện nghiêm quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về thẩm định nguồn tin trước khi xuất bản. Đây là khâu bắt buộc để bảo đảm tính chính xác của sản phẩm báo chí.

* TS Đỗ Chí Nghĩa, Phó trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Thực tế, nhà báo có uy tín, có đạo đức nghề nghiệp, được công chúng tin cậy sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong tác nghiệp. Công chúng sẽ tìm đến các nhà báo có uy tín và đạo đức để cung cấp thông tin.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để đạo đức nghề báo bị “hạ gục”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.