Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình

Thùy Liên| 28/11/2019 09:21

(HNMCT) - Người Việt xưa nay vẫn xem trọng hôn nhân và gia đình, coi lễ cưới là một việc lớn của đời người: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Xong ba việc ấy mới là người hay”. Chính vì quan niệm truyền thống đã "ăn sâu, bén rễ" trong tâm thức ấy mà các đám cưới thường được tổ chức linh đình, tốn kém và để lại không ít hệ lụy.

Xu hướng tổ chức cưới văn minh, giản dị, tiết kiệm đang được khơi dậy thành phong trào, lan tỏa và tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng.

Ở Hà Nội những năm gần đây, xu hướng tổ chức cưới văn minh, giản dị, tiết kiệm đã được khơi dậy thành phong trào, lan tỏa và tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, nhiều lúc cũng còn không ít điều đáng nói.

Ngày cưới - ngày vui

Sau ngày tổ chức đám cưới cho con trai tại Nhà văn hóa thôn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), nhà giáo Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: "Cả gia đình tôi rất vui vì mọi việc đều diễn ra đúng như dự kiến và mong muốn. Lễ cưới của các cháu vẫn có đủ các nghi thức truyền thống, được tổ chức trong không khí vui vẻ mà vẫn rất trang trọng, theo đúng hương ước của làng và quy định của thành phố và quận về việc cưới". Ông Dũng cho biết thêm, quá trình chuẩn bị cho đám cưới, gia đình không phải lo lắng nhiều vì việc cưới theo nếp sống mới ở địa phương đã trở thành nếp, mình chỉ quan sát và theo đó mà làm, hơn nữa lại được bà con, anh em, bạn bè động viên, giúp đỡ nên cảm thấy rất thoải mái, yên tâm.

Với vai trò quản lý văn hóa, ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, cho biết: Đám cưới với người Việt là việc “xưa như trái đất”, nhưng có biết bao nhiêu chuyện xung quanh đó, không chỉ là việc riêng của lứa đôi, của gia đình, mà còn là chuyện của xã hội. Sống trong một địa phương với những tập tục cụ thể, khi tổ chức việc cưới, muốn đi tiên phong trong việc đơn giản lễ tiết mà không có tổ chức, chính quyền hỗ trợ thì rất khó. Các quy định của thành phố, của quận là chỗ dựa pháp lý rất tốt để cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, từ đó lan tỏa tác dụng đến cộng đồng, tạo ra một nét mới trong việc cưới nói riêng, thực hiện nếp sống văn minh nói chung.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Kế hoạch 141-KH/UBND ngày 6-11-2012 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…, nhiều mô hình cưới văn minh đã được triển khai sâu rộng trên khắp địa bàn Hà Nội, đảm bảo tính trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm mà vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi. Không chỉ các lứa đôi, các gia đình mà cả cộng đồng đều coi việc cưới là việc lớn, việc quan trọng, cần được chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt nhất.

Vẫn còn không ít chuyện “cưới trách”

Ngày càng có nhiều gia đình tổ chức cưới theo nếp sống mới. Trong ảnh: Một đám cưới ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Nhắc chuyện “cưới trách” ở đây để đề cập đến không ít đám cưới bị dư luận chê trách vì đi ngược lại xu thế tiến bộ của cộng đồng, hoặc vi phạm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Cũng có thể nói đến cả trường hợp do ảnh hưởng của tập tục địa phương vẫn nặng theo lễ thức cổ truyền nên chưa ủng hộ cái mới trong việc cưới.

Nhà văn Đỗ Hồng Hà (ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) chia sẻ: Vào năm 2013, ở huyện Đan Phượng không chỉ xuất hiện đám cưới đầu tiên thực hiện theo nếp sống văn minh mà còn có đến 3 đám cưới đi tiên phong trong việc không tổ chức tiệc mặn. Đại diện chính quyền xã đến tận nhà chú rể trao giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, sau đó, rất ít thấy hoặc không thấy xuất hiện thêm những đám cưới không có tiệc mặn. Như vậy, những đám cưới chỉ có trà nước, bánh kẹo đã dừng lại ở dạng mô hình đám cưới không cỗ bàn, rất khó nhân rộng. Đó là chưa kể khi nhìn lại những đám cưới ấy, sự đánh giá cũng rất khác nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu mô hình đám cưới không cỗ thắng thế, trở thành xu hướng chủ đạo thì các gia đình và cả xã hội sẽ “nhẹ bớt gánh lo”, và ngày cưới chỉ tập trung vào việc tổ chức sao cho thật vui, không bị phân tán bởi chuyện bếp núc hậu cần, thậm chí sau đó là "kéo cày trả nợ". Nhưng cũng có không ít người vẫn giữ quan điểm rằng, xưa nay người ta vẫn trọng chữ “thực” (ăn), mình làm khác đi sao được?!

Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng: Tâm lý phổ biến của người Việt mỗi khi có đại sự thường gắn với việc tổ chức ăn uống tập trung, diện rộng. Chẳng hạn, người thi đỗ bậc cao ắt phải về quê, ra đình trình Thành hoàng làng rồi khao làng, người được bổ nhiệm chức vụ cũng phải làm cỗ khao làng…, đó gọi là “Vô vọng bất thành danh” (chưa khao vọng chưa chính thức được công nhận). Còn trong việc cưới xin ngày xưa, việc tổ chức ăn uống luôn được xem trọng hàng đầu. Ngay trong thời hiện đại, về lý thuyết thì sau khi chính quyền trao giấy chứng nhận kết hôn thì hôn nhân đã được công nhận hợp pháp, thế nhưng hầu hết (nếu không nói là tất cả) các gia đình vẫn tổ chức lễ cưới, cỗ cưới. Như vậy, trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, việc cưới không thể không có lễ cưới và tiệc mừng đám cưới, dù quy mô, cách thức tổ chức có khác nhau. Từ đây, có thể thấy rằng, những thay đổi trong việc cưới, thậm chí là cách tân, phải nắm rõ tâm lý xã hội truyền thống, nếu không rất khó thực hiện.

Nhân rộng điển hình

Từ nhiều năm qua, tại các quận, huyện, thị xã ở thành phố Hà Nội đã thành lập và duy trì Ban vận động tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về việc cưới, nhiều cán bộ, đảng viên cam kết tổ chức cưới theo nếp sống mới và thực tế đã có rất nhiều đám cưới tổ chức theo đúng mô hình nếp sống mới… Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì còn nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm, bổ sung giải pháp phù hợp để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Về giải pháp, chủ yếu là công tác tuyên truyền, vận động cần cân đối lại, giảm thời lượng nêu mục đích, yêu cầu chung chung để tăng nội dung biểu dương người tốt, việc tốt, gương điển hình đám cưới thực hiện nếp sống văn minh ở các địa phương. Một khía cạnh của tuyên truyền, vận động cần được đẩy mạnh, đó là tác động vào nhận thức của nhiều người nhằm mục đích “thức tỉnh cộng đồng” trong việc xóa bỏ hủ tục, làm theo nếp sống mới, văn minh, tiến bộ. Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, công tác tuyên truyền phải hướng vào việc hạn chế, xóa bỏ tâm lý ganh đua trong hình thức, quy mô của đám cưới. Với những đám cưới chỉ có tiệc ngọt, có thể tuyên truyền theo mô hình không có phong bao mừng cưới.

Trong hoạt động thực tiễn, tất cả các cuộc vận động, các phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Đơn vị văn hóa, Khu dân cư văn hóa đều cần phải chú trọng đến nội dung tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh. Trong đó, công tác xây dựng Gia đình văn hóa phải được đặt lên hàng đầu, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các công tác khác. Ông Dương Thanh Nghị, Trưởng thôn Rộc Éo (xã An Phú, huyện Mỹ Đức), đề xuất: Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải nêu cao vai trò đầu mối tổ chức thực hiện các giải pháp khả thi để “Quy ước cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm” thực sự đi vào cuộc sống, tiếp tục tạo ra những thay đổi tích cực trong việc cưới, xóa bỏ các hủ tục, từng bước hạn chế, đơn giản các lễ tiết...

Một nội dung quan trọng là tiếp tục củng cố và từng bước hoàn thiện nếp sống văn minh trên mọi lĩnh vực đời sống, từ đó tác động mạnh mẽ đến việc chuyển đổi nhận thức và hành động trong tổ chức việc cưới theo nếp sống mới, thể hiện rõ nét phẩm chất “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Thời gian tới, các địa phương cần xem xét các mô hình cưới theo định hướng của Quy ước, chọn ra mô hình có tính phổ biến và được đông đảo người dân chấp nhận, từ đó có giải pháp củng cố, nhân rộng trong cộng đồng.

Ông Trịnh Văn Túc (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội):
Nghiêm túc nhưng tránh cứng nhắc

Trong phong trào xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới là một điểm nhấn, thể hiện sự tiên phong trong việc cởi bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu. Thực hiện việc cưới theo đời sống mới mà vẫn giữ được thuần phong, mỹ tục, đó là trách nhiệm không của riêng ai. Đặc biệt, về phía các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, ngoài việc tăng cường vận động trực tiếp cán bộ và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới thì còn thực hiện thông qua chương trình xây dựng nếp sống văn hóa, qua những phong trào, những việc làm cụ thể, tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Khi đã đề ra quy định, quy ước thì cần tổ chức thực hiện nghiêm túc nhưng cũng cần tránh sự can thiệp cứng nhắc, thiếu tính nhân văn khi xử lý vi phạm.

Ông Lê Bình Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm:
Xây dựng, hoàn chỉnh mô hình cưới văn minh

Mô hình cưới văn minh trong đoàn viên, thanh niên ở Hà Nội là một mô hình văn hóa, cần được đánh giá đầy đủ. Nếu 6 tiêu chí (chấp hành pháp luật; bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan; tránh phô trương, hình thức, lãng phí; tổ chức tiệc cưới văn minh, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn; khuyến khích cô dâu, chú rể tích cực tham gia hoạt động xã hội) đã đầy đủ thì phải khẳng định, tiếp tục thực hiện, nhân rộng, nếu cần bổ sung thì xem xét để tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện tốt các yêu cầu “Trang trọng - Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm”, lại phù hợp phong tục, tập quán tại các địa phương.

Giải pháp mang tính cốt lõi vẫn là tuyên truyền, vận động nhưng cần đổi mới phương thức và tăng tần suất để các nội dung thấm sâu vào đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.