(HNM) - Tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 6-10, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tới hết tháng 9-2014, cơ quan này đã triển khai 143/186 cuộc kiểm toán, đạt 76,9% kế hoạch năm 2014. Sơ bộ kết quả của 63 cuộc kiểm toán đã có báo cáo, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4.556,6 tỷ đồng; trong đó tăng thu 1.311,6 tỷ đồng; giảm chi 196,6 tỷ đồng; xử lý khác 2.448,4 tỷ đồng...
Nhìn chung, những con số nêu trên là rất ấn tượng đối với một ngành có vai trò, chức năng đặc biệt như Kiểm toán Nhà nước trong tình hình hiện nay. Song nếu chú ý nhìn nhận, có thể thấy đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Nói cách khác, vấn đề cần quan tâm là những bước tiếp theo sau khi từng con số cụ thể được công bố. Hiệu lực của hoạt động kiểm toán nhà nước chỉ có thể thu được khi các kết luận kiến nghị của cơ quan chức năng được thực hiện triệt để. Ở chiều ngược lại, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tới đâu cũng chính là căn cứ để đánh giá chất lượng của hoạt động kiểm toán. Mặt khác, các kết luận, kiến nghị được thực hiện không chỉ phụ thuộc vào việc các đơn vị được kiểm toán có nghiêm chỉnh chấp hành hay không mà còn liên quan đến tính xác thực của các kết luận, kiến nghị mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra.
Vẫn biết, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trước hết là việc các đơn vị được kiểm toán có nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị hay không. Tiếp đến, nếu các cơ quan nhà nước quan tâm đến kết quả kiểm toán thì sẽ thúc đẩy các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, tính khả thi trong thực hiện các kết luận, kiến nghị liên quan trực tiếp tới chất lượng kết quả kiểm toán. Và cuối cùng là phụ thuộc vào thái độ của các cơ quan chức năng trong xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Kiểm toán nhà nước, đối với các kết luận, kiến nghị liên quan đến cải tiến công tác quản lý, các đơn vị phải có biện pháp để thực hiện, còn riêng đối với các kết luận, kiến nghị liên quan đến xử lý tài chính thì cơ quan, đơn vị được kiểm toán phải tổ chức thực hiện ngay. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan tới xử lý tài chính còn rất thấp, mới đạt khoảng trên dưới 50%. Còn đối với các kiến nghị liên quan đến cải tiến công tác quản lý thì không thấy các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng không báo cáo. Đặc biệt, đối với các kiến nghị liên quan đến xử lý trách nhiệm cá nhân gần như không được thực hiện...
Trên đây chính là những vấn đề tiếp theo cần có biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán nhà nước. Và chỉ có như vậy thì những con số mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra mới cho thấy chất lượng thực của công tác này, đồng thời thực sự gây ấn tượng và có tác động tốt tới quá trình phát triển của đất nước, cụ thể là góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính quốc gia. Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, năm 2015 công tác kiểm toán cần được tiến hành tập trung, có kết luận chặt chẽ, gọn gàng, đặc biệt chú ý đến những vấn đề được rút kinh nghiệm sau kiểm toán và hướng đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Vậy nên, đưa ra những con số ấn tượng mới chỉ là kết quả bước đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.