Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo

Đặng Loan| 05/10/2011 07:09

(HNM) - Trước những lo ngại tình hình bão lũ làm nhiều diện tích lúa thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mất trắng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định...

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: TTXVN


Đủ nhu cầu xuất khẩu năm 2011

Tại cuộc họp báo ở TP Hồ Chí Minh ngày 4-10 về tình hình xuất khẩu gạo năm 2011, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Thường trực VFA cho biết, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký đến hết tháng 9 là 6,855 triệu tấn. Đến ngày 30-9, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 5,878 triệu tấn gạo, như vậy số lượng còn phải giao là 0,97 triệu tấn.

Theo VFA, 9 tháng đầu năm 2011, các mục tiêu xuất khẩu gạo đặt ra đều đạt kết quả tích cực. Xuất khẩu 9 tháng cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng (tăng 9,13% so với cùng kỳ năm 2010) và trị giá (tăng 23,71%). Bà con nông dân cũng lãi nhiều so với các năm trước, vì giá lúa khô đạt chuẩn xuất khẩu trong 9 tháng bình quân khoảng 6.114 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất vụ đông xuân khoảng 3.200 đồng/kg và vụ hè thu khoảng 3.760 đồng/kg.

Kế hoạch xuất khẩu năm 2011 là 7 triệu tấn gạo, như vậy trong quý IV sẽ còn xuất khoảng 1,1- 1,2 triệu tấn. Ngoài nhu cầu xuất khẩu trong năm, thông thường phải tồn kho dự trữ để gối đầu cho quý I năm tới (năm nay dự kiến sẽ tồn kho cho quý I khoảng từ 800 nghìn tấn, năm 2010 là 840 nghìn tấn). Trong khi đó, tồn kho của các doanh nghiệp hiện còn hơn 1,47 triệu tấn.

Tình hình bão lũ làm nhiều diện tích lúa vụ 3 (vụ thu đông) của ĐBSCL bị mất trắng đã gây ra nhiều lo ngại về an ninh lương thực và thiếu hụt xuất khẩu. Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống cho 604 nghìn hécta vụ thu đông năm nay. Ông Phạm Văn Bảy cho biết, hiện hai tỉnh có lượng lúa thu đông lớn là Đồng Tháp và An Giang đang bị thiệt hại nặng nề (Đồng Tháp bị mất gần 2.000ha, An Giang mất gần 4.000ha). Tuy nhiên, phần lớn diện tích lúa bị mất ở An Giang mới xuống giống (hơn 1 tháng), khi bị ngập đã bơm tiêu úng kịp thời nên cũng cứu vãn được một phần chứ không đến nỗi mất trắng. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang có khoảng 53.000ha lúa thu đông đang tiếp tục được thu hoạch. Do ở cuối nguồn, cuối tháng 10 nước mới tràn về nhiều nên hiện bà con Kiên Giang vẫn kịp gặt chạy lũ, do vậy, ngoài 3.000ha ở huyện Đồn Đất bị thiệt hại thì diện tích lúa ở những nơi khác vẫn cứu vãn được.

Như đã nói, vụ thu đông là vụ mùa phụ, năm nay cũng là năm đầu tiên ĐBSCL xuống giống đại trà sau nhiều năm không sản xuất lúa vụ 3, nên cũng không đặt nặng chỉ tiêu, sản lượng tính toán cho vụ này. Vì vậy, có thể khẳng định, bão lũ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu.

Giá lúa gạo vẫn đứng ở mức cao

Căn cứ vào giá gạo thế giới và tình hình thời tiết, VFA cho rằng, từ nay đến cuối năm giá lúa gạo sẽ đứng ở mức cao. Yếu tố quan trọng nhất là tác động của chính sách hỗ trợ nâng giá lúa của chính phủ mới của Thái Lan được thực hiện từ ngày 7-10 tới. Chính phủ nước này cam kết giá sẽ không thấp hơn 15.000 baht/tấn lúa thường, khi đó giá gạo trắng xuất khẩu Thái Lan sẽ ở mức 750-800 USD/tấn. Với mức giá quá cao này, chưa biết thị trường thế giới chấp nhận đến đâu nhưng chắc chắn sẽ bị tác động mạnh. Do Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nên kịch bản sẽ có hai lựa chọn, hoặc là nhà nhập khẩu chấp nhận mua gạo Thái Lan với giá cao, hoặc Thái Lan sẽ không bán được gạo, phải tồn kho, hạn chế nguồn cung ra thị trường. Cả hai lựa chọn đều khiến giá gạo tăng.

Chính sách bảo hộ giá gạo sẽ khiến Thái Lan mất vị trí số 1 trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, và đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu nắm bắt tốt. Tuy nhiên, đánh giá tình hình chung, VFA vẫn cho rằng xu hướng không dễ dự báo do lẫn lộn các yếu tố tích cực và tiêu cực, nhưng chắc chắn sẽ biến động rất mạnh và có rủi ro. Đó là trường hợp thị trường không chấp nhận gạo Thái Lan do giá cao, khiến Thái Lan phải đứng ngoài và giá sẽ tăng do thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, nếu không bán được thì Thái Lan cũng phải giải quyết lúa gạo tồn kho và đó sẽ là vấn đề nếu gạo Thái Lan lại ào ạt tuôn ra thị trường. Trong khi đó, Ấn Độ cũng vừa công bố bán ra 2 triệu tấn gạo thường với mức giá thấp. Với số lượng này, Ấn Độ cũng chỉ trở lại xuất khẩu bình thường như trước đây. Tuy nhiên, không loại trừ nước này sẽ xuất khẩu nhiều hơn.

Chính vì vậy, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không nên vội vã trong các hợp đồng xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp chỉ nên ký hợp đồng khi có đủ 100% gạo tồn kho, vì nếu ký hợp đồng sớm, bán với giá thấp trong khi giá thế giới tăng thì sẽ bị lỗ khi phải mua gạo giá cao để thực hiện hợp đồng, hoặc ngược lại. Tình trạng này đã có trong đầu năm nay khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Riêng thị trường trong nước, VFA khẳng định, sẽ không có tình trạng sốt giá vì chủ trương bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; và hiện lượng lúa gạo dự trữ của các công ty thành viên của VFA luôn bảo đảm ưu tiên bình ổn cho thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.